Sandbox dành cho Fintech: Hướng đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

Theo Bảo Đăng (thực hiện)/thitruongtaichinhtiente.vn

Trao đổi của ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước- NHNN) về vai trò của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, về hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho Fintech phát triển, với việc xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Nội dung trọng tâm Nghị định dự kiến sẽ tập trung thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính.

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) về vai trò của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, về hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho Fintech phát triển, với việc xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. 

Phóng viên: Xin ông cho biết một số đánh giá của NHNN về những đóng góp của Fintech thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát?

Ông Lê Anh Dũng: Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động lớn đến các nền kinh tế, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam trong suốt hơn 2 năm qua. Các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp… đã làm gián đoạn một số hoạt động trong nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.

Tuy nhiên, nhờ có các giải pháp, ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) đã giúp đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của người dân, doanh nghiệp và góp phần phòng ngừa dịch bệnh.

Có thể điểm qua ảnh hưởng của Fintech trên một số phương diện sau:

Thứ nhất, giải pháp Fintech ứng dụng vào dịch vụ thanh toán của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã góp phần hỗ trợ nhu cầu thanh toán an toàn, nhanh  chóng, tiện lợi của người dân.

Nếu như trước đây, người dân lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt, gặp mặt trực tiếp khi mua bán hàng tại các điểm bán hàng vật lý hoặc thanh toán giao hàng nhận tiền (COD) trong giao dịch thương mại điện tử, thì nay đã chuyển dịch mạnh sang các phương thức thanh toán điện tử trực tuyến hay thanh toán phi tiếp xúc (contactless) qua thẻ ngân hàng, ứng dụng ngân hàng di động (banking app) hay ví điện tử ngay trên điện thoại thông minh cá nhân vừa nhanh chóng, thuận tiện, an toàn vừa tránh nguy cơ tiếp xúc với dịch bệnh.

Thứ hai, thời gian vài năm vừa qua và đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Fintech trong vai trò là giải pháp đã trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy, tăng tốc chuyển đổi số ngân hàng, được minh chứng bằng nhiều thành quả tích cực:

(i) Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán - chuyển tiền, tiền gửi, tiết kiệm, bảo hiểm liên kết ngân hàng...) đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân, doanh nghiệp;

(ii) Thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh, nhiều ngân hàng Việt Nam đã đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch giữa khách hàng với ngân hàng thực hiện trên kênh số; các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ thâm nhập, ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất khu vực (theo đánh giá tháng 9/2021 của hãng tư vấn McKinsey);

(iii) Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối, tích hợp liền mạch dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ thương mại, tài chính khác, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội cho người dùng dịch vụ, phù hợp với hành vi, phong cách sống số của nhiều khách hàng.

Bối cảnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19 một mặt tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp và chính bản thân ngân hàng nhưng đem đến yếu tố thuận lợi bất ngờ trong việc số hóa mạnh mẽ hoạt động thanh toán với việc hàng chục triệu người đã trở thành người dùng dịch vụ thanh toán số thường xuyên.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn vai trò của Fintech trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và rộng hơn là triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trong thời gian tới?

Ông Lê Anh Dũng: Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô, phạm vi, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia; trong đó công nghệ tài chính Fintech đóng vai trò quan trọng.

Các hình thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi trên cơ sở ứng dụng công nghệ, giải pháp thanh toán tân tiến như (số hóa thông tin thẻ - Tokenization, thanh toán di động sử dụng mã QR, bảo mật giao dịch thanh toán bằng sinh trắc học, thanh toán an toàn, thuận tiện bằng thẻ chíp phi tiếp xúc - contactless chip card...) đã dần trở nên phổ biến, được khách hàng đón nhận tích cực.

TTKDTM bằng phương thức mã QR code và qua kênh điện thoại di động, Internet có tốc độ tăng trưởng cao; 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 đạt mức tăng lần lượt là 64,7%, 76,2% và 51,6% về số lượng giao dịch.

Mở tài khoản thanh toán bằng định danh khách hàng điện tử - eKYC đã được chính thức hóa bằng quy định từ tháng 3/2021 và đến nay đã có hơn 2,6 triệu tài khoản mở bằng eKYC đang hoạt động. NHNN đã cấp phép cho hơn 40 tổ chức không phải là ngân hàng được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán, hỗ trợ thu hộ, chi hộ…, góp phần mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán tới các nhiều đối tượng khách hàng.

Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu: Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán của tổ chức, cá nhân một cách thuận tiện, hiệu quả; từng bước phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể liên quan đến hoạt động Fintech như: Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa; phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động… và khuyến khích hợp tác kết nối giữa ngân hàng với các công ty Fintech để đổi mới, sáng tạo, phát triển các giải pháp, mô hình thanh toán mới...

Theo đó, trong thời gian tới, các hoạt động Fintech vẫn sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong thúc đẩy TTKDTM cũng như thực hiện mục tiêu quốc gia về tài chính toàn diện.

Phóng viên: Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP  thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Vậy, trong quá trình xây dựng Nghị định có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Ông Lê Anh Dũng: NHNN được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định. Việc xây dựng Nghị định có những thuận lợi, khó khăn nhất định. 

Về thuận lợi, có thể thấy, phạm vi của Nghị định là các giải pháp công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, do đó NHNN (cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng) là cơ quan phù hợp nhất trong vai trò chủ trì, đề xuất chính sách trong quá trình xây dựng Cơ chế thử nghiệm trên cơ sở góp ý, phối hợp của các bộ, cơ quan liên quan khác.

Nghị định dự kiến đưa ra một số chính sách mới để điều chỉnh hoạt động Fintech (là hoạt động mới, có tính phức tạp, có tác động đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội) với mục tiêu cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo với bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm ổn định tài chính… nên các ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành liên quan là vô cùng cần thiết để đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và đảm bảo có sự đánh giá toàn diện các chính sách tại Nghị định.

Dù vậy, việc xây dựng Nghị định cũng gặp một số khó khăn. Hiện nay, các vấn đề phát sinh từ hoạt động Fintech là khá đa dạng và thách thức, cùng một hoạt động nhưng có thể có sự giao thoa trong quản lý hoặc thuộc sự quản lý của nhiều bộ, ngành liên quan.

Do vậy, việc phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành cần có sự trao đổi, thống nhất và phối hợp tích cực giữa các cơ quan quản lý cũng như sự chỉ đạo từ Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về dự kiến Dự thảo sẽ xây dựng trong thời gian bao lâu để có thể đưa ra lấy ý kiến bộ, ngành? Nội dung trọng tâm theo hướng ‘mở’ hay sẽ ‘quản chặt’ để tránh các rủi ro chưa thể lường trước?

Ông Lê Anh Dũng: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã hoàn tất thủ tục thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định, hiện đang hoàn thiện dự thảo Nghị định để lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định được xây dựng dựa trên một số quan điểm, nguyên tắc định hướng, cụ thể như bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa rủi ro an ninh mạng.

Đồng thời đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau, gồm tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các công ty Fintech có liên quan.

Hơn nữa, phải đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành và triển khai vận hành Cơ chế thử nghiệm sau khi Nghị định được ký ban hành.

Như vậy, nội dung trọng tâm Nghị định sẽ tập trung thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì ổn định tài chính.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!