Sử dụng túi nilon đựng thực phẩm có thể gây ung thư

PV.

Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm nay có chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Theo các chuyên gia hóa học, nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính axit, có thể gây ung thư cho người sử dụng.

Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính axit, có thể gây ung thư cho người sử dụng.
Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính axit, có thể gây ung thư cho người sử dụng.

Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích cho sinh hoạt của con người nhưng nó chính là tác nhân ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe con người.

Theo PGS.,TS. Lê Đức Giang - Khoa Hoá học, Đại học Vinh (Nghệ An), khi sản xuất túi nilon, người ta phải sử dụng các hóa chất phụ gia như phẩm màu, kim loại nặng (chì, cadimi,..), chất hóa dẻo, ....đều là những chất gây nguy hiểm tới sức khỏe của con người. Ở nhiệt độ 70-80oC, phụ gia độc hại chứa trong túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó, một số chất hóa dẻo có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với chúng.

Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính axit như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng, các chất hóa dẻo trong túi nilon sẽ tách khỏi thành phần nhựa và gây độc cho thực phẩm. Khi ngấm vào dưa chua, axit lactic ở trong dưa, cà sẽ hòa tan một số kim loại tạo chất có thể gây ung thư.

Bên cạnh đó, túi nilon được sản xuất từ PE và PP đều là những vật liệu rất khó bị phân hủy trong điều kiện chôn lấp bình thường (khoảng hàng trăm năm mới bị phân huỷ hoàn toàn) nên việc sử dụng túi nilon sẽ ảnh xấu đến môi trường sống của con người. Khi ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.

Thực tế cũng cho thấy, sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. 

Túi nilon kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nơi sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, rác thải từ túi nilon còn làm mất mỹ quan tới cảnh quan môi truờng.

PGS.,TS. Lê Đức Giang cảnh báo, để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon nguời sử dụng cần hạn chế sử dụng túi nilon thông thuờng bằng cách sử dụng túi dùng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học khi đi mua hàng; không nên dùng túi nilon rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy định.