Sức hút từ kinh doanh đồ cũ

Theo Ngọc Thu/baoquocte.vn

Kinh doanh đồ cũ đang trở thành một ngành kinh doanh sinh lời hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản…

Một cửa hàng bán sách cũ của Bookoff tại Nhật Bản. Nguồn: Bloomberg
Một cửa hàng bán sách cũ của Bookoff tại Nhật Bản. Nguồn: Bloomberg

Sau khi khảo sát một loạt các siêu thị bán đồ cũ ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Koji Onazawa – đại diện của Bookoff – một doanh nghiệp Nhật Bản chuyên thu mua và phân phối đồ đã qua sử dụng, quyết định sẽ mở một loạt các chuỗi cửa hàng mang thương hiệu này tại Malaysia trong tương lai.

Bookoff hiện đang sở hữu 832 cửa hàng trên khắp nước Nhật nhưng vẫn chưa có nhiều tiếng tăm tại nước ngoài. “Chúng tôi không đại diện cho Bookoff. Chúng tôi đại diện cho hàng hóa đã qua sử dụng của Nhật Bản”, anh Onazawa chia sẻ.

Tiềm năng tỷ USD
Đánh vào tâm lý chuộng hàng Nhật tại các quốc gia Đông Nam Á, rất nhiều công ty chuyên kinh doanh đồ cũ của Nhật Bản đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để kiếm lời. Theo số liệu của Tạp chí Kinh doanh đồ tái chế (Nhật Bản), những năm gần đây, hơn 20 công ty Nhật Bản đã thành lập ít nhất 62 cửa hàng hoặc nhà phân phối chuyên bán hàng Nhật đã qua sử dụng tại tám nước Đông Nam Á.

Kể từ khi ra mắt tại Malaysia, cửa hàng đầu tiên của Bookoff có tên Jalan Jalan Japan luôn thu hút rất đông khách đến mua hàng. Hàng tháng, cửa hàng này bán được 15.000 mặt hàng quần áo phụ nữ, trong khi 25% doanh thu lại đến từ hàng trẻ em.

Trong ba năm tới, Bookoff lên kế hoạch sẽ mở thêm bốn cửa hàng lớn chỉ riêng tại Malaysia. Năm 2015, ước tính giá trị đồ cũ nhập về hợp pháp của các cửa hàng này đã lên tới gần 1 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu không qua đường chính ngạch cũng gần tương đương mức này.

Dù giá trị doanh thu từ các mặt hàng đã qua sử dụng của Nhật Bản tại Đông Nam Á không thể so sánh với các mặt hàng mới nhưng ngành kinh doanh này lại đang có mức tăng trưởng khá ấn tượng trong những năm gần đây với lợi nhuận hàng tỷ USD và trở thành một trong những câu chuyện xuất khẩu thành công ngoài mong đợi của khu vực.

Những năm 1950, khi nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng, nhiều sản phẩm mới mẻ liên tục xuất hiện khiến người dân nước này gần như “quay lưng” với đồ cũ. Đồ cũ thường bị đánh đồng với hàng trong tiệm cầm đồ, các tiệm sách cũ bị coi là những nơi bẩn thỉu và tối tăm.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp đồ cũ tại Nhật Bản đã thực sự trở nên sôi động khi suy thoái kinh tế buộc người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, chuyển sang tìm kiếm những món hời.

Các cửa hàng kinh doanh đồ cũ cũng được thiết kế và bày biện bắt mắt nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng. Nhiều cửa hiệu trông không khác gì các chuỗi siêu thị Target, Wal-Mart hay thậm chí là cửa hàng thời trang Uniqlo. Ngành bán lẻ đồ cũ giờ đã chiếm 4,36% tổng thị trường bán lẻ Nhật Bản. Đối với các thương hiệu xa xỉ, đồ cũ chiếm hơn 10% thị trường.

Từ quần áo đến…xe hơi

Ngoài các kênh phân phối, bán lẻ, ngành công nghiệp đồ cũ của Nhật Bản còn phát triển mạnh mẽ thông qua kênh thương mại điện tử. Start Today – công ty đang điều hành website bán quần áo đã qua sử dụng lớn nhất Nhật Bản. Zozotown đã đạt doanh thu gần 8 tỷ Yen vào năm 2016, chỉ từ việc thu mua và bán lại quần áo cũ. Zozotown hiện có khoảng 600.000 mặt hàng sẵn có và khoảng 10.000 mặt hàng mới được thêm vào mỗi ngày. Không riêng Nhật Bản, Zozotown cũng thu hút được một lượng lớn đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới.

Không đứng ngoài cuộc chơi, nhiều doanh nghiệp startups Nhật Bản cũng bắt đầu quan tâm đến kinh doanh đồ cũ. Tau là một doanh nghiệp như vậy. Startup này chuyên mua lại những xe hơi bị hư hỏng nặng, tân trang lại và bán chúng trên trang web của mình - nơi có hơn 100.000 đầu mối thu mua xe hỏng đăng ký tham gia.“95% số xe đều được đấu giá thành công trong vòng 48 giờ”, ông Akitaka Miyamoto, CEO của Tau tiết lộ. Startup này đã bán khoảng 50.000 xe mỗi năm ở cả Nhật Bản và thị trường nước ngoài.

SynaBiz, một startup ở Tokyo lại khởi đầu việc kinh doanh đồ cũ bằng việc mua lại hàng loạt các mặt hàng tồn kho, bị trả lại do lỗi sản xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản và bán lại cho các bên cần mua. Mỗi tháng, công ty nhận được khoảng 150 yêu cầu chào bán và chấp nhận mua lại khoảng 30% số yêu cầu này.

“Chỉ tính riêng tại Nhật Bản, giá trị trên sổ sách của những khoản tài sản lưu động như vậy có thể lên đến 20.000 tỷ Yen”, ông Nobuyuki Tajima, một giám đốc của Synabiz cho hay.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sở dĩ ngành công nghiệp đồ cũ của Nhật Bản có thể trở thành ngành công nghiệp siêu lợi nhuận như vậy bởi vì những doanh nghiệp như Bookoff, Tau hay SynaBiz đều nhận ra một điều: những hàng hóa được gắn mác “đã từng sử dụng tại Nhật Bản” trên thực tế cũng tốt không kém mác “sản xuất tại Nhật Bản” và luôn tìm được chỗ đứng tại thị trường quốc tế.