Thay đổi tư duy để thay đổi chất lượng cà phê

Theo Thuận Lan - Thảo Huyền/Báo Đăk Lắk

Để có những hạt cà phê đạt chất lượng tốt thì việc thay đổi tư duy sản xuất rất quan trọng, không chỉ ở người nông dân mà còn ở các cấp, ngành trong việc tổ chức, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm ngành hàng.

Sản phẩm cà phê đặc sản của HTX Ea Tân  (huyện Krông Năng). Ảnh: TL
Sản phẩm cà phê đặc sản của HTX Ea Tân (huyện Krông Năng). Ảnh: TL

Xóa bỏ dần quy mô sản xuất nhỏ lẻ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hình thức tổ chức sản xuất cà phê trên địa bàn Đắk Lắk chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hiện chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, các công ty cà phê thuộc tỉnh Đắk Lắk và doanh nghiệp quản lý. Còn lại gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Chính vì vậy, các khâu thu hái, sơ chế vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm” nên việc kiểm soát chất lượng ở các khâu này rất khó.

Trước thực tế đó, các địa phương có diện tích cà phê lớn đã có nhiều giải pháp để xóa bỏ dần quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Đó là tạo các mối liên kết sản xuất thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác hoặc các dự án.

Đơn cử như xã Ea Tóh (huyện Krông Năng), từ năm 2012 đến nay, 1.600 hộ dân trong xã đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững với Công ty Simexco Đắk Lắk. Người dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, thu hái cà phê chín trên 95% và công ty sẽ mua cao hơn giá thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Ea Toh cho biết, xã có 2.552 ha cà phê, năng suất trung bình đạt hơn 3 tấn nhân/ha. Là cây trồng chủ lực của địa phương, những năm trở lại đây, cây cà phê càng được đầu tư, chăm sóc để nâng cao chất lượng vườn cây.

Người dân cũng chủ động tham gia các chương trình, dự án theo hình thức liên kết chuỗi, tạo được vùng sản xuất cà phê sạch, cà phê đặc sản. Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, người dân nắm được kiến thức nhất định và có nhiều thay đổi tích cực về phương thức canh tác, đặc biệt khâu thu hoạch quả chín được chú trọng hơn, thuận lợi cho việc sản xuất cà phê chất lượng cao.

Cũng với hướng đi đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmát - Hòa Đông (huyện Krông Pắc) đã liên kết trên 90 hộ làm cà phê, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 93%; tổng diện tích liên kết 144 ha.

Ông A Diệu Kbuôr, Trưởng Ban Kiểm soát HTX cho biết, trước đây khi chưa có HTX thì người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống, mỗi hộ làm một kiểu, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. Từ khi được thành lập, HTX đã đứng ra liên kết các hộ dân lại để cùng thực hiện một quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao theo chứng nhận FLO cho toàn bộ diện tích liên kết.

Lúc đầu cũng rất khó khăn, gần như HTX phải “cầm tay chỉ việc” cho từng nông dân ngay trên vườn cà phê để giúp họ thay đổi dần cách làm cũng như nhận thức về giá trị cà phê chất lượng cao. Sau 6 năm đi vào hoạt động, đến nay các hộ liên kết đã áp dụng quy trình sản xuất một cách nhuần nhuyễn từ khâu chăm sóc, thu hái quả chín đến chế biến ướt, tạo được vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp và 26 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Tổng số hộ tham gia liên kết là 3.600 hộ, với trên 6.000 ha cà phê. Ngoài ra còn có 28 tổ hợp tác sản xuất cà phê, chiếm 23,9% so với tổng số tổ hợp tác nông nghiệp. Điều này cũng góp phần khắc phục được tình trạng sản xuất quy mô nông hộ nhỏ lẻ, giúp nông dân yên tâm phát triển cây cà phê.

Hướng đến sản xuất cà phê bền vững

Trong những năm gần đây, Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển cà phê bền vững. Điều này đã góp phần rất lớn trong việc phát triển tổ chức hợp tác nông dân sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ, FLO… Đáng chú ý là có 22 HTX sản xuất cà phê có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Với mong muốn đồng hành với người dân, chung tay xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê sạch, HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC (xây dựng hai địa điểm sản xuất ở xã Ea Toh và Phú Lộc, huyện Krông Năng) đã được thành lập cuối năm 2019, có 12 thành viên góp vốn và liên kết với 40 hộ dân trồng cà phê, với diện tích 50 ha.

Người dân tham gia vào HTX sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, thu hái quả chín đạt 100%, tuân thủ các quy định an toàn, thân thiện với môi trường, được thu mua với giá cao, mang lại cho người dân thu nhập tăng thêm 15 triệu đồng/ha. Từ khâu kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho đến khâu sơ chế, bảo quản được HTX triển khai nghiêm ngặt, đảm bảo hương vị và chất lượng sản phẩm.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 8 HTX sản xuất cà phê, trong đó có 4 HTX đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance, FLO-CERT… Huyện còn phối hợp triển khai Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (Chương trình PPI Compact), giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2020, với quy mô ban đầu là 5.200 ha/4.000 hộ dân tại 3 xã: Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya.

Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từng bước thay đổi thói quen, tư duy của người dân trong việc sản xuất cà phê hữu cơ, bảo vệ môi trường, giúp cây phát triển bền vững, tạo đầu ra sản phẩm ổn định. Giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2025, huyện sẽ mở rộng ra 12 xã, thị trấn với quy mô 21.100 ha.

Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục vận động người dân thu hoạch quả chín trên 95%, xây dựng các đội an ninh đảm bảo mùa thu hoạch, đồng thời, tạo mọi điều kiện, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp người dân liên kết thành chuỗi phát triển cà phê chất lượng cao nhằm nâng tầm thương hiệu cà phê của địa phương, mang lại nguồn thu ổn định người dân…

Đắk Lắk hiện có 4 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến gồm: 4C, UTZ Certified, RFA và FLO, với tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận trên 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh; có trên 32.000 hộ nông dân tham gia.