Thực dưỡng, ăn sao cho khỏe?

Theo Hoàng Nhung/sgtiepthi.vn

Câu chuyện bác sĩ Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia – vừa cấp cứu một bệnh nhân 61 tuổi ở Hà Nội, người ăn theo chế độ thực dưỡng trong 49 ngày, đã đặt ra nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện thực dưỡng ngày nay.

Ăn gạo lứt, muối mè theo phương pháp thực dưỡng đang được nhiều người thổi phồng. Nguồn: internet
Ăn gạo lứt, muối mè theo phương pháp thực dưỡng đang được nhiều người thổi phồng. Nguồn: internet

Ăn gạo lứt, muối mè theo phương pháp thực dưỡng đang được nhiều người thổi phồng như một phương pháp thần thánh giúp chữa bách bệnh, kể cả bệnh ung thư, tiểu đường. Sự đồn thổi theo Internet, mạng xã hội đã khiến người người, nhà nhà rủ nhau chọn dùng, dẫn đến những hệ lụy khó lường về sức khỏe người sử dụng.

Nhiều hệ lụy

BS. Phạm Mạnh Hùng kể, bệnh nhân 61 tuổi nói trên chỉ ăn gạo lứt và thực phẩm thực dưỡng theo lộ trình 49 ngày, nhưng đến ngày thứ 41 thì phải nhập viện vì ngưng tuần hoàn. Kết quả các xét nghiệm và chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân có tiềm ẩn bệnh mạch vành dù chưa biểu hiện ra bệnh, nhưng chế độ ăn đã khiến bệnh nhân hạ lượng natri, kali trong máu, làm thúc đẩy các triệu chứng của bệnh xuất hiện.

Phương pháp ăn thực dưỡng kham khổ cơm lứt, muối mè này cũng đã khiến nhiều người bệnh chỉ còn da bọc xương, sa sút tinh thần, tụt đường huyết, thiếu máu, suy giảm sức đề kháng, lạnh tay chân, tiểu ra máu, bón kinh niên, mờ mắt…

Anh Nguyễn Văn Thực, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ, chính anh đã phải trải qua hai tháng điều trị đầy cam go sau thời gian dài ăn gạo lứt, muối mè. Anh Thực từng nhịn ăn, chỉ uống nước lọc 30 ngày liên tiếp, từng ăn chay thực dưỡng khoảng ba năm… và đã từng vài lần suýt mất mạng. Anh Thực giảm cân nhanh chóng, từ 64-65kg xuống còn 32kg, da bọc xương, cơ thể suy kiệt nặng. May mắn là anh đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch và dốc tâm nghiên cứu sách vở, thực dưỡng và phi thực dưỡng để tự cứu mình.

Phần lớn người Việt Nam khi nói về thực dưỡng đều nghĩ ngay đến “gạo lứt, muối mè” nhưng nhiều người dùng không đúng cách dễ dẫn đến cơ thể suy kiệt. George Ohsawa – cha đẻ của phương pháp thiền thông qua thực dưỡng – cũng chỉ khuyên nên áp dụng chế độ “thực dưỡng số 7”, nghĩa là dùng hoàn toàn bằng gạo lứt và muối mè – tối đa là mười ngày.

Ngũ cốc lứt và đậu

Đối với thể trạng thấp và nhỏ của người Việt Nam, việc ăn cơm lứt muối mè liên tục sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu dưỡng chất cho cơ thể. Do đó, theo các bác sĩ Đông y, người Việt nên ăn theo phương pháp thực dưỡng hiện đại như các nước phương tây. Chủ yếu họ ăn ngũ cốc lứt như gạo lứt, bún gạo lứt làm từ lúa mì, yến mạch lứt, bánh mì lứt. Thức ăn còn có cá, tép con, thịt gà vì ít độc tố, độ dinh dưỡng cao và kết hợp ăn thêm nhiều loại rau củ.

BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, thực dưỡng là sự dưỡng sinh nhờ ăn uống. Phương pháp thực dưỡng giúp phòng ngừa hỗ trợ rất nhiều trong điều trị các bệnh lý mạn tính liên quan đến ăn uống như béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, táo bón, tai biến, loãng xương… Trên thực tế, đa số mọi người có chế độ ăn gạo lứt muối mè rất đơn điệu và nghèo nàn về dinh dưỡng, dẫn tới thiếu chất hoặc thừa chất, làm cho cơ thể mệt mỏi, uể oải, không làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn tạo ra nguy cơ bệnh tật.

Để ăn theo phương pháp thực dưỡng nhưng vẫn đủ chất giúp cơ thể khỏe mạnh, người ăn cần ăn theo chế độ gạo lứt hoặc ngũ cốc lứt, các loại đậu sẽ không lo bị thiếu đạm. Nên sử dụng những thực phẩm có chất béo bão hòa đơn khi chế biến đồ ăn như dầu hạt cải, dầu lạc, dầu olive hoặc bơ; sữa đậu nành, đậu hũ, bột ngũ cốc giúp bổ sung các loại vitamin. Các loại rau lá xanh, bánh mì, cam và quả mơ có chứa canxi. Đậu nành, bột ngũ cốc, rau xanh, các loại hạt có chứa sắt. Đậu, đỗ và các loại hạt như vừng, lạc thì chứa kẽm.

Vấn đề cơ bản của thực dưỡng là lấy gạo lứt làm thức ăn chính để ăn với thức ăn tự nhiên. Do chưa hiểu đúng về thực dưỡng nên các nhà thực dưỡng Việt Nam chỉ biết ăn ngũ cốc và rau củ, trong khi các nhà thực dưỡng phương Tây ăn đủ chất để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.

Những chất bổ dưỡng có trong gạo lứt, mèTheo tài liệu của viện Dinh dưỡng quốc gia, gạo lứt là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong. Nhờ vậy, hạt gạo rất giàu chất xơ và có nhiều dưỡng chất quan trọng gồm các loại vitamin (B1, B2, B3, B6…), canxi, sắt, kẽm. Lượng đạm được giữ lại cũng khá cao (7,6% đạm/100g gạo).– Cám gạo trong gạo lứt là thành phần duy nhất mà gạo trắng không có. Cám gạo chiếm 7-8% thành phần hạt, có chứa nhiều chất xơ, vitamin B, một số khoáng chất như magiê, mangan, phốt pho.

Ngoài ra, cám gạo còn có nhiều chất béo đặc biệt là gamma-Oryzanol là loại axit béo không no có tính chống oxy hóa cao (gấp bốn lần vitamin E) tốt cho tim mạch, làm giảm cholesterol máu.– Muối vừng là hạt mè (mè đen, mè trắng) có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng kiện tỳ ích vị (bổ dưỡng và hoàn chỉnh chức năng tiêu hóa), tư âm nhuận phổi (bổ máu dưỡng phổi), bổ can thận. Hạt mè chứa các thành phần dinh dưỡng gồm protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E, các chất khoáng như: Ca, P, K, Na, Mg, Fe, Zn, Se, Cu, Mn…