Thực phẩm không tên vẫn đầy chợ

Theo Nguyễn Hải - Phương An/nld.com.vn

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, rau củ quả tăng cao dịp Tết là cơ hội để thực phẩm bẩn, kém chất lượng trà trộn…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 15/1 (21 tháng chạp), khi khảo sát tại chợ Bình Tây, quận 6, TP. Hồ Chí Minh, phóng viên ghi nhận đủ loại bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến… được bày kín các sạp, thậm chí tràn ra cả lối đi. Hầu hết hàng hóa đều không bao bì, không nhãn mác và vẫn mua bán theo ký như hàng chục năm qua.

Hàng có thương hiệu khó bán!

Tại một sạp bán mứt, phóng viên ghi nhận có hàng chục bao mứt Tết dừa, bí, khoai, nho, hồng, chà là… được bày sát đường đi, giá từng loại dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/kg. Bà chủ sạp cho biết nếu mua sỉ về kinh doanh sẽ có giá thấp hơn. Khi phóng viên thắc mắc hàng hóa sao không có bao bì, nhãn mác thì người bán gay gắt: "Muốn mua rẻ mà đòi có thương hiệu".

Trái cây Trung Quốc được nhập về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) rất nhiều nhưng ở chợ lẻ lại ít xuất hiện Ảnh: Nguyễn Hải
Trái cây Trung Quốc được nhập về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) rất nhiều nhưng ở chợ lẻ lại ít xuất hiện Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài các loại mức thì bánh kẹo không nhãn mác cũng được bày bán dạng hàng "xá" cân ký rất nhiều, từ bánh quy, bánh có nhân mứt, kẹo đủ màu sắc, có giá từ 70.000 - 120.000 đồng/kg. Các loại khô bò, khô gà, gà lá chanh, chả lụa… bày bán tràn lan đều không có nhãn mác hay chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Tiểu thương khẳng định những loại hàng này rất "ngon" bán chạy hơn nhiều so với sản phẩm có thương hiệu nhờ giá cả phải chăng.

Ông Tuấn, chuyên bỏ mối bánh, mứt cân ký cho các chợ lẻ trong thành phố, khẳng định hàng bán ở các chợ hiện nay hầu hết có xuất từ Trung Quốc vì mẫu mã đẹp, giá thì cực rẻ nên nhiều cơ sở sản xuất mứt trong nước không cạnh tranh được đã bỏ nghề.

Tại một số chợ lẻ khác, phóng viên cũng ghi nhận người mua kẻ bán đều rất ít quan tâm nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ cơ sở sản xuất hay không. Chẳng hạn tại một quầy bán đủ loại thực phẩm từ sống cho đến chế biến ở chợ Hòa Bình(quận 5), bà chủ giới thiệu cho khách cua Cà Mau, khô cá sặc được lấy tận trong U Minh giá 300.000 đồng/kg. Người tiêu dùng thấy rẻ nên mua khá nhiều. Trong khi thực tế cua Cà Mau thật nguồn hàng đang khan hiếm, giá phải từ 500.000 đồng/kg trở lên. Tương tự, khô cá sặc loại 1 không hề rẻ hơn 600.000 đồng/kg.

Ở các quầy trái cây, ngoài những loại quả quen thuộc trong nước, còn lại người bán đều giới thiệu là cam, nho, táo, lê… nhập từ Mỹ, Brazil, New Zealand, Úc, hoàn toàn không thấy trái cây Trung Quốc. Tương tự, mặt hàng rau củ cũng được người bán nói hàng từ Đà Lạt để dễ bán và giá cao. Trong khi đó, ông Nguyễn Nhu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh nông sản Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), khẳng định trái cây, rau củ Trung Quốc nhập về rất nhiều nên không thể có chuyện hàng ra đến chợ lẻ thì biến mất được.

Sẽ kiểm soát chặt an toàn thực phẩm

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, những ngày cận Tết, dự kiến lượng hàng về 3 chợ đầu mối của TP đạt khoảng 15.000 - 16.000 tấn/ngày, tăng khoảng 80% so với ngày thường. Lượng hàng về chợ tăng cao đặt ra thách thức rất lớn cho các đơn vị quản lý, do thời điểm cuối năm là lúc nhiều đối tượng lợi dụng sức mua tăng trà trộn thực phẩm kém chất lượng nhằm trục lợi.

Dự đoán được thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn thành phố, từ tháng 11/2019, UBND TP đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020. Mới đây, trong chương trình "Lắng nghe và Trao đổi" chủ đề Tết Canh Tý, Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND Thành phố đã lưu ý Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cùng các sở - ngành, quận - huyện, chợ đầu mối, chợ lẻ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm lẫn hàng gian, hàng giả dịp Tết.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, công tác an toàn thực phẩm được thực hiện quanh năm nhưng cứ mỗi năm Tết đến, công tác này càng phải được chú trọng. Do đó, từ 2 tháng trước, ban đã có kế hoạch riêng bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết. "Vì thực phẩm tươi sống tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là từ các tỉnh nên công tác truy xuất nguồn gốc, đánh giá nguy cơ và kiểm nghiệm được đặt lên hàng đầu. Thời điểm cận Tết, song song với việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, các kho lạnh tập kết hàng, tập trung công tác thanh tra: thành lập 30 đoàn thanh tra cùng các đoàn thanh tra liên ngành của các quận, huyện để lên kế hoạch, tiếp tục kiểm tra kiểm soát ở hệ thống sản xuất và phân phối" - bà Lan thông tin.

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, công tác kiểm tra kiểm soát được khép chặt ở siêu thị, chợ đầu mối lẫn 296 chợ lẻ. "thành phố đã dành nguồn ngân sách rất lớn để tăng cường kiểm soát, lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng quan trọng nhất vẫn đến từ ý thức người dân. Một bộ phận người dân do thu nhập hạn chế nên vẫn lựa chọn những nguồn hàng trôi nổi, không bảo đảm an toàn" - bà Lan nói. 

Hàng hóa về chợ đầu mối tăng nhẹ

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện lượng hàng về 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đang nhích dần lên, tăng khoảng 3% - 5% so với đầu tháng. Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết hiện lượng hàng về chợ tăng khoảng 100 tấn/ngày so với đầu tháng 1. Giá cả hầu hết các mặt hàng đều giữ ổn định. "Năm nay nguồn rau củ, trái cây rất dồi dào, từ 25 tháng chạp, lượng hàng sẽ tăng dần. Ngay cả mặt hàng thịt heo cũng đang ổn định giá lẫn số lượng kể từ ngày 6-12-2019 đến nay. Đáng mừng là tình trạng heo non (khoảng 40 kg/con heo hơi) về chợ đã giảm hẳn, phần lớn là heo đúng trọng lượng giết mổ (70 - 90 kg/con) hoặc nhỏ hơn 5 - 10 kg; cung ứng thịt heo vẫn bảo đảm đủ nhu cầu tiêu thụ" - ông Tiển nói.