Tìm vé máy bay rẻ trực tuyến chưa chắc hiệu quả

Theo Vũ Hoàng/sgtiepthi.vn

Nghiên cứu thị trường gần đây đã chỉ ra rằng không phải lúc nào các trang mạng chuyên về đặt vé giá rẻ trực tuyến cũng giúp đưa ra sự lựa chọn tiết kiệm nhất.

Người trẻ tuổi thích đi du lịch với sự hỗ trợ của các dịch vụ săn vé giá rẻ trực tuyến. Ảnh: TravelLeisure.
Người trẻ tuổi thích đi du lịch với sự hỗ trợ của các dịch vụ săn vé giá rẻ trực tuyến. Ảnh: TravelLeisure.

Thời gian qua, nhiều trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay quốc tế giá rẻ đã trở thành địa chỉ thân thiết với những người đam mê du lịch. Tuy nhiên, việc đặt vé thông qua các địa chỉ trung gian như thế này đôi khi không hề rẻ như nhiều người vẫn tưởng. Đó là kết luận trong nghiên cứu do Hội đồng những người tiêu dùng Hồng Kông đưa ra trong tháng 3-2019.

Phương pháp khảo sát là tiến hành đồng loạt hàng chục lượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế theo cả hai chiều từ Hồng Kông và các địa điểm trên toàn thế giới trên các trang mạng chuyên về so sánh giá và “săn” vé máy bay giá rẻ. Các địa chỉ được lựa chọn khảo sát bao gồm nhiều cái tên đã nổi tiếng trong những năm gần đây như: Skyscanner, Kayak, Cheapflights, Momondo, DuckDuckLook và Google Flights.

Kết quả không sát với thực tế

Kết quả khảo sát cho thấy Skyscanner có màn trình diễn xuất sắc nhất trong khi công cụ tìm chuyến bay của Google “đội sổ” với nhiều chỉ dẫn và kết quả ở mức “tệ”

Tiếp đó, báo cáo này thực hiện khảo sát trên cả những trang mạng có cung cấp dịch vụ lữ hành trực tuyến như Booking.com hay Expedia. Những nhân viên khảo sát đã dành ra 80 lượt tìm kiếm trên mỗi trang mạng. Họ tìm những vé sớm nhất là vào tháng 7, tức là còn ít nhất 3 tháng nữa mới đến giờ bay.

Kết quả xem ra là đáng thất vọng: Một nửa trong số các lượt khảo sát cho thấy giá vé tìm được trên các trang mạng tổng hợp vé rẻ đắt hơn trên trang của đại lý bán vé. 30% số lượt khảo sát cho thấy giá vé tìm được đắt hơn so với trên trang của hãng hàng không. Nhiều trường hợp cho thấy giá vé săn được trên trang tổng hợp đắt hơn rất nhiều so với giá vé niêm yết trên trang của hãng hàng không.

Đôi khi, nhiều trang tổng hợp còn bỏ sót các chuyến bay thực sự rẻ. Ví dụ, vé chuyến bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Melbourne (Úc) từ ngày 15 đến 22-7 trên trang mạng tổng hợp Cheapflights và Momondo luôn nằm ở mức thấp nhất là khoảng hơn 4.000 đô la Hồng Kông (11 triệu đồng). Hai trang này bỏ quên các chuyến giá rẻ của hãng AirAsia, chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng/chuyến.

Dựa quá nhiều vào các trang săn giá rẻ

Winnie Cheung, chủ của một hãng lữ hành ở Hồng Kông, cho biết khách du lịch thường dựa quá nhiều vào các kết quả tìm kiếm của các trang mạng săn vé rẻ. Những người này không để ý đến việc thực chất các trang mạng chỉ chủ yếu giúp họ rút ngắn quá trình tìm kiếm mà ít khi hỗ trợ hiệu quả trong việc tìm giá rẻ nhất.

Lý do cho sự thiếu hiệu quả này nằm ở chỗ giá vé thay đổi liên tục theo thời gian thực mà thuật toán lại không thể xử lý kịp. Khi một hạng ghế đã kín chỗ, giá vé sẽ tự động “đội” lên liên tục theo thuật toán mặc định, đôi khi trở nên đắt một cách vô lý.

Ngoài ra, các trang mạng săn vé giá rẻ còn “bỏ quên” phí hành lý ký gửi. Đây là một thiếu sót khá đáng trách vì phí ký gửi có thể bị đội lên rất cao nếu khách hàng chọn bay giá rẻ mà lại đem hành lý quá cân.

Một vấn đề đáng buồn nữa là các trang săn vé giá rẻ còn hay tự động kết nối tới một số hãng hàng không đang gặp nhiều vấn đề về dịch vụ. Nicole Smith, 28 tuổi, người Úc, đang là điều hành viên của blog du lịch Bitten by Travel Bug, kể lại chuyện anh đặt vé qua trang săn vé giá rẻ và bị mất trắng tiền vé. “Xác nhận đặc chỗ của tôi tự nhiên mất tiêu trên hệ thống”, anh Smith bứt xúc kể, “Mặc dù tôi có xuất trình biên lai, bảng sao kê ngân hàng cho thấy tiền đã cắt và xác nhận vé điện tử từ công ty, tôi đã không thể liên lạc với ai để điều chỉnh kịp thời”. Sau đó, anh Smith đã phải bỏ tiền đặt lại vé mới.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo số lượng khách du lịch hàng không trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi từ 4,1 tỉ hành khách trong năm 2017 lên tới 8.2 tỉ vào năm 2037. Sự gia tăng chủ yếu do nhu cầu đi lại tăng vọt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo số liệu năm 2017, của Liên Hợp Quốc, du khách trẻ tuổi chiếm gần một phần tư trong số 1,24 tỉ khách du lịch quốc tế.

Những người ở độ tuổi 22 đến 31 đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường du lịch trực tuyến, theo báo cáo năm 2016 của Allied Market Research. Đối với những khách du lịch trẻ tuổi này, các hãng lữ hành trực tuyến và các trang tổng hợp giá vẻ đã trở thành một công cụ quan trọng không thể thiếu.

Lời khuyên từ những khách dày dạn kinh nghiệm như Nicole Smith, vốn thường bay hơn 50 lần/năm là hãy kiểm tra chéo giá trên các trang săn vé rẻ với giá niêm yết của các hãng hàng không. Một số hãng hàng không như Cathay Pacific, Hong Kong Airlines và Singapore Airlines đã cố gắng khuyến khích khách hàng đặt trực tiếp trên trang của họ. Khách hàng nhờ đó còn được lợi từ các tiện ích của hãng như giá cố định không chi phí ẩn, dịch vụ khách hàng thường xuyên, dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/24.