Tôm hùm, cua hoàng đế… Mỹ giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

Theo Quang Huy/plo.vn

Không chỉ tôm hùm, trái cây Mỹ giá rẻ vào Việt Nam mà sắp tới nhiều mặt hàng nông nghiệp từ các nước khác cũng tràn vào nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nửa đầu năm 2019, mặt hàng thủy sản và trái cây từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam bất ngờ tăng mạnh. Nếu như cách đây 1-2 năm, đối với người tiêu dùng Việt Nam muốn ăn tôm hùm, cua hoàng đế của Mỹ phải đặt trước với giá đắt đỏ thì giờ đây sản phẩm này được rao bán tràn ngập các cửa hàng, website, mạng xã hội với số lượng bao nhiêu cũng có.

Muốn ăn tôm hùm Mỹ, gọi là có

Trong vai khách hàng, chúng tôi tìm mua tôm hùm Alaska. Hàng loạt website rao bán loại đặc sản được nhập khẩu từ Mỹ này. Chủ một cửa hàng thủy sản nhập khẩu có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trước đây, nguồn cung rất ít và người dân cũng chưa biết nhiều đến các loại thủy sản ngoại nhập này nhưng giờ nhu cầu tăng, cửa hàng nhập số lượng lớn, giảm chi phí nên giá rẻ hơn”.

Theo chủ cửa hàng trên, năm ngoái giá tôm hùm Alaska 1-3 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn. Nay giá mặt hàng này giảm chỉ còn khoảng 500.000-800.000 đồng/kg tùy kích cỡ con tôm, trong đó có con trọng lượng tới 2-4 kg, thậm chí 5-6 kg. Còn tôm hùm tươi của Việt Nam nuôi giá rẻ nhất cũng tới 700.000-2,5 triệu đồng/kg.

“Do tôm bên Mỹ đang vào mùa nên giá rẻ. Nếu khách đặt hàng số lượng lớn, chúng tôi sẽ giao ngay trong ngày, con tôm tươi sống đến tận tay” - chủ cửa hàng này cho biết.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, riêng trong sáu tháng đầu năm nay có gần 3.800 kg tôm được nhập khẩu về dưới tên tôm hùm Alaska, giá trị ước tính hơn 27.500 USD. Tính ra bình quân mỗi ký tôm hùm Alaska nhập về Việt Nam với giá rẻ chỉ khoảng 170.000 đồng/kg, chưa bao gồm các chi phí vận chuyển và thuế.

Thịt heo, trái cây nhập khẩu từ Mỹ cũng được bán nhiều tại thị trường Việt Nam. Điển hình như trước đây giá cherry của Mỹ khoảng 400.000-600.000 đồng/kg, có thời điểm cả triệu đồng mỗi ký. Thế nhưng hiện giá loại trái cây này giảm tới 50%, chỉ còn 200.000-300.000 đồng/kg.

Ông Minh, chuyên bán trái cây nhập khẩu, tiết lộ thời điểm này là mùa của trái cherry, nguồn cung dồi dào nên giá rẻ. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến trái cây Mỹ vào Trung Quốc rất khó khăn nên xuất sang những nước khác, trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý, táo là loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua. Nhờ vậy người tiêu dùng dễ dàng mua đủ loại táo từ loại rẻ như táo Gala chỉ 40.000-50.000 đồng/kg đến loại táo cao cấp như Envy trên 100.000 đồng/kg với số lượng lớn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group chuyên xuất khẩu trái cây, nhìn nhận: “Bên cạnh trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt với trái cây trong nước ngay trên sân nhà thì giờ có thêm đối thủ từ Mỹ. Sắp tới trái cây ngoại nhập khẩu sẽ vào VN ngày càng nhiều khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi giữa Việt Nam với các nước”.

Nhiều mặt hàng thủy sản, trái cây nhập khẩu từ Mỹ đổ vào VN. Trong ảnh: Tôm, cua Mỹ bán nhiều tại các cửa hàng, quán ăn vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: QH
Nhiều mặt hàng thủy sản, trái cây nhập khẩu từ Mỹ đổ vào VN. Trong ảnh: Tôm, cua Mỹ bán nhiều tại các cửa hàng, quán ăn vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: QH

Mải mê xuất khẩu, bỏ quên sân nhà

Bà Nguyễn Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thừa nhận nhiều năm qua, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mải mê tập trung vào xuất khẩu mà không khai thác tiềm năng thị trường nội địa. Chỉ đến khi giật mình thấy thị phần nội địa đang được các sản phẩm thủy sản ngoại nhập bao gồm cả Mỹ khai thác hiệu quả thì nhiều doanh nghiệp trong nước tập trung phát triển.

“Hiện VASEP đã có câu lạc bộ cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa gồm 26 công ty với hàng trăm sản phẩm khác nhau từ tươi sống như cá tra, ba sa, tôm, cá ngừ, mực... đến các mặt hàng chế biến; hàng giá trị gia tăng như tôm tẩm bột, hải sản tẩm bột, chả cá ba sa, cá viên, tôm viên” - bà Sắc cho hay.

Trong khi đó, đại diện một công ty thực phẩm bày tỏ không nên quá lo các loại thủy sản từ Mỹ cạnh tranh trực tiếp vì các loại thủy, hải sản VN vẫn có những thế mạnh riêng. Chẳng hạn tôm hùm, cua Việt Nam thịt dai, ngon ngọt không thua kém tôm hùm hay cua hoàng đế của Mỹ. Sản phẩm thủy sản Việt Nam cũng đa dạng hơn.

“Nói vậy nhưng cũng phải thừa nhận thủy sản ngoại nhập giá ngày càng rẻ tràn vào cạnh tranh, trong khi một số mặt hàng thủy sản trong nước lại chưa tạo được uy tín về chất lượng với người tiêu dùng. Đây là khiếm khuyết lớn nhất mà thủy sản Việt Nam cần khắc phục” - vị đại diện công ty này nói.

Tổng giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cũng tiết lộ xuất phát từ việc người tiêu dùng Việt Nam luôn phải trả giá cao để mua các loại trái cây ngoại, trong khi trái cây ngon của Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, công ty quyết định dành một phần sản phẩm xuất khẩu để bán trong nước.

“Chúng tôi nhìn thấy cơ hội rất lớn ở thị trường nội địa thông qua việc cung cấp trái cây tươi cho các doanh nghiệp, bệnh viện… Từ đó tôi nghĩ phải tận dụng cơ hội ngay tại sân nhà, tại thị trường khoảng 93 triệu người Việt” - ông Tùng quả quyết.

Thương chiến đẩy hàng Mỹ chạy sang Việt Nam

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hàng hóa xuất xứ từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam sáu tháng đầu năm nay tăng mạnh 19% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 6,9 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm có tới 14 nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên.

Đa số các nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường Mỹ vào Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các nhóm hàng tăng mạnh gồm có ô tô nguyên chiếc tăng 106%; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 95%.

Đặc biệt, mặt hàng rau quả nhập từ Mỹ vào VN trong sáu tháng đầu năm tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 116 triệu USD. Mặt hàng thủy sản từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa đầu năm cũng tăng mạnh 67%, giá trị đạt gần 47 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân khiến nông, thủy sản… của Mỹ vào Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh với giá rẻ hơn vì khó vào thị trường Trung Quốc do chiến tranh thương mại nên "chảy" sang những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.