Trà vinh nhân rộng nhiều mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Hữu Huệ/Báo Trà Vinh

Những năm gần đây, dưới tác động của biến đối khí hậu (BĐKH) như khô hạn, mặn, dịch bệnh... đã gây nhiều bất lợi cho sản xuất của người dân trong tỉnh. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã giúp người nông dân từng bước tiếp cận và ứng dụng vào sản xuất.

Các hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống, chưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật luôn gặp nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và dịch bệnh. Từ thực trạng trên, thực hiện các mô hình trình diễn và ứng dụng nhân rộng trong sản xuất (lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thích ứng với BĐKH, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ tự động hoàn toàn trong tưới phun kết hợp với nhà lưới để sản xuất rau màu đang được ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương hỗ trợ, đầu tư và xây dựng mô hình chuyển giao cho nông dân trong tỉnh. Bước đầu đã khẳng định hiệu quả của mô hình trong thích ứng với BĐKH và giá trị kinh tế mang lại khá cao, không chỉ giúp nông dân tăng vòng quay sử dụng đất, mô hình còn chủ động quản lý sâu bệnh, ứng phó với thời tiết bất lợi.

Đến nay, có hơn 30ha diện tích nhà lưới được nông dân ứng dụng đưa vào trồng màu (bình quân từ 0,1-0,15ha/hộ), tập trung nhiều ở huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành... Với mô hình trồng rau ăn lá và bí, bầu trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới, bón phân tự động do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh hỗ trợ (quy mô 1.000m2/02 nhà lưới/02 hộ) triển khai ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành và liên kết thị trường tiêu thụ. Qua đó, cung cấp sản xuất theo yêu cầu của hệ thống Siêu thị VinMart, Bách hóa xanh trên địa bàn Trà Vinh. Bình quân, sau 01 vụ (02 tháng), mô hình đem lại lợi nhuận từ 07-10 triệu đồng/1.000m2 nhà lưới.

Nông dân Sơn Phương, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuân Thành) cho biết: để phục vụ sản xuất rau sạch, với sản lượng cung ứng cho thị trường khoảng hơn 100kg/tuần; nên khi vào mùa nắng nguồn nước tưới rau màu theo kiểu truyền thống trước đây rất tốn nhân công, sử dụng lớn lượng nước tưới và khó kiểm soát về chất lượng nguồn nước do bơm trực tiếp từ ao để tưới.

Khi vào thời điểm khô hạn, nước mặn xâm nhập vào nội đồng đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau màu. Năm 2021, gia đình đã đầu tư hơn 20 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước kết hợp xây dựng nhà lưới để sản xuất 0,2ha rau ăn lá và 0,1ha măng tây. Với mô hình tưới phun tự động, nông dân sẽ chủ động được mùa vụ và tăng hiệu quả vòng quay trong sử dụng đất; quản lý được sâu bệnh gây hại và khép kín trong sản xuất theo hướng an toàn.

Bên cạnh đó, các đề tài, dự án xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản phẩm đã được chuyển giao cho nông dân cũng như các hợp tác xã, đã giúp người canh tác từng bước tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua việc sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm để giúp giảm công lao động, thời gian tưới nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước cho cây trồng; sử dụng phân hữu cơ sinh học giúp cải tạo đất, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Văn Quốc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: trong nuôi thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) hiện nay việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật rất lớn, điển hình là trong nuôi tôm thâm canh mật độ cao ứng dụng Semi Biofloc 02, 03 giai đoạn… Trước đây, người nuôi chỉ nuôi tôm theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp (còn gọi bán thâm canh và thâm canh), do BĐKH và môi trường ngày càng ô nhiễm gây bất lợi rất lớn trong nuôi tôm. Việc nuôi tôm thâm canh mật độ cao vừa cho năng suất gấp 04 - 05 lần so với thâm canh, còn giúp người nuôi chủ động xử lý tôm trong các giai đoạn thả nuôi. Hiện toàn tỉnh có gần 900ha nuôi tôm thâm canh mật độ cao, năng suất từ 30 - 50 tấn/ha.

Nông dân Nguyễn Văn Phuộc, ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết: vụ tôm vừa qua, gia đình ứng dụng công nghệ Semi Biofloc 03 giai đoạn trong nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao, với diện tích 0,17ha và thả 425.000 con giống. Mô hình đã mang lại hiệu quả rất cao so với cách nuôi thâm canh trước đây, tỉ lệ tôm sống 95%, bình quân tôm đạt trọng lượng 65 con/kg.

Qua 74 ngày nuôi và thu hoạch với sản lượng 8,8 tấn, năng suất 51,7 tấn/ha, lợi nhuận 332 triệu đồng/0,17ha mặt nước. Người nuôi áp dụng Semi Biofloc trong quá trình nuôi tôm sẽ giúp ổn định môi trường nước, hạn chế dùng hóa chất trong quá trình nuôi; kết hợp với sử dụng hầm biogas xử lý chất thải trong quá trình nuôi, sẽ giảm tối đa ô nhiễm môi trường xung quanh.