Tránh chọn trường, chọn ngành theo tâm lý đám đông

Theo Huyền Anh/cand.com.vn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đã có hơn 44.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng trong ngày đầu tiên. Trong đó, số lượng thí sinh điều chỉnh trực tuyến áp đảo so với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh cần lượng đúng sức của mình, chọn ngành trước rồi mới chọn trường và tránh tình trạng chọn trường theo cảm tính, chạy theo tâm lý đám đông.

Ưu tiên chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực bản thân

Với sự xuất hiện của nhiều ngành, nghề mới; nhu cầu xã hội đối với các ngành nghề cũng đã thay đổi trong nhiều năm qua đã khiến câu chuyện chọn trường nào, ngành học nào cho phù hợp đã trở thành nỗi băn khoăn của hầu hết học sinh vừa tốt nghiệp THPT. 

Thực tế cho thấy, bên cạnh những học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nhìn nhận rõ điểm mạnh, yếu của bản thân cũng như xu hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm trong tương lai thì hiện vẫn còn một bộ phận học sinh còn lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính, theo phong trào và theo tâm lý đám đông. 

Nhiều em đến sát thời điểm thi, cầm trên tay hồ sơ đăng kí mà chưa biết học trường nào tốt thì lại a dua theo đám đông, thấy nhóm bạn thân hay những người bạn mình thích vào trường nào thì mình cũng theo vào đó mà chưa nhận thức đầy đủ kiến thức về nghề mà mình sẽ theo đuổi và gắn bó.

 Một số học sinh khác thì chọn trường hoàn toàn theo định hướng của gia đình hoặc theo ý thích của bố mẹ. Chẳng hạn, bố mẹ làm giáo viên thì định hướng cho con vào sư phạm, bố mẹ làm bác sĩ thì cho con học ngành y, bố mẹ làm ngân hàng thì cho con học tài chính-ngân hàng để “nối gót” nghề nghiệp của mình. Đành rằng, với việc học nghề theo định hướng của cha mẹ, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn. 

  Thí sinh nghe tư vấn và làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2019
  Thí sinh nghe tư vấn và làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2019

Tuy nhiên, nếu những công việc ấy hoàn toàn không phù hợp với sở trường, không khiến các em say mê, yêu thích thì sẽ khó đạt được “thành tựu” trong quá trình làm việc. Đó là chưa muốn nói đến việc nhiều em sau một thời gian không tìm thấy niềm vui trong công việc, phải chuyển nghề dẫn đến việc lãng phí tiền bạc, thời gian, cơ hội. Đặc biệt, những năm gần đây còn xuất hiện xu hướng thí sinh chọn vào những trường phù hợp với điểm thi của mình, nghĩa là chọn trúng tuyển để vào đại học mà không quan tâm đến việc ngành học đó có phù hợp với mình hay không, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm khi ra trường hay không. 

Hệ quả của việc lựa chọn ít nhiều mang tính thực dụng này là nhiều học sinh đã rơi vào trạng thái chán nản, không tìm thấy niềm vui, sự say mê với nghề nghiệp tương lai; một số em cố học cho xong 4 năm đại học, một số em khác thì quyết định “làm lại từ đầu” bằng cách xét tuyển vào những ngành học khác phù hợp với năng lực của mình hơn.

Là người nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, TS. Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng thừa nhận, thực tế nhiều năm nay có không ít học sinh sau khi học xong THPT chọn ngành, chọn trường theo tâm lý đám đông, nhóm này nhóm kia, thích trường này trường kia mà không quan tâm đến việc lựa chọn đó có phù hợp với năng lực của mình hay không. 

Cũng theo chia sẻ của TS. Phạm Mạnh Hà, chọn ngành nghề cần xem thị trường nhưng nếu chỉ chọn nghề theo thị trường thì dễ rơi vào nguy cơ “được mùa, mất giá” bởi nhiều người cùng lao vào một ngành học “hót” thì sau 4 năm học sẽ tạo ra nguồn lực khủng khiếp. 

Chọn trường vì vừa tầm điểm, để có chỗ học đại học hay theo ý thích, nguyện vọng của gia đình cũng sẽ dễ gặp rủi ro khi ngành học đó không phù hợp, gây lãng phí về thời gian và cơ hội khi phải chọn lại. Vì thế, năng lực bản thân có phù hợp với ngành nghề đó hay không vẫn là yếu tố cần thiết nhất khi chọn nghề. 

“Nhiều người chỉ định hướng vào trường với suy nghĩ chỉ cần vào các trường tốp trên, trường danh tiếng là sẽ thành công, dễ xin việc. Tuy nhiên, đó là sự ngộ nhận. Quan trọng nhất vẫn là lĩnh vực đó, ngành nghề đó, bản thân có phát huy được tố chất và đam mê lâu dài hay không?”-TS. Hà nhấn mạnh.

Chọn ngành trước khi chọn trường

Trong nhiều buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với học sinh, sinh viên tại Hà Nội, Diễn giả, TS. Lê Thẩm Dương đều nhấn mạnh rằng: Từ trước đến nay, phần lớn học sinh ở nước ta đều có xu hướng chọn trường trước rồi mới chọn ngành nghề sau. 

Tuy nhiên, điều đó lại dẫn đến nhiều trở ngại trong quá trình học tập, dẫn đến uổng phí thời gian, chi phí và công sức học hành. Do vậy, TS. Lê Thẩm Dương đã khuyên các bạn trẻ nên xác định theo vòng tròn hướng nghiệp: nghề- ngành -trường, tức chọn ngành, nghề trước rồi mới chọn trường sau. Bởi lẽ khi đã có bước khởi đầu đúng đắn thì quá trình học tập, làm nghề cũng sẽ có phần thuận lợi hơn. 

“Bạn chỉ nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân thì đó sẽ là động lực để bạn theo đuổi ngành nghề dài lâu. Nghề nghiệp tương lai phải phù hợp với các điều kiện của bản thân bạn, từ năng lực cho đến tính cách, sức khỏe, điều kiện gia đình…Bạn cũng phải hiểu thật rõ về ngành nghề mà mình sắp chọn từ nhu cầu về việc làm, chế độ lương thưởng, hỗ trợ, thu nhập, tiềm năng phát triển”- TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ.

PGS., TS. Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cũng đưa ra 3 lời khuyên chọn trường, chọn ngành, nghề cho thí sinh. Đó là phải chọn ngành yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân, không chạy theo đám đông. Bên cạnh đó, chọn trường có các ngành yêu thích nhưng cần phù hợp với điểm mình đạt được. 

Để làm được điều này, thí sinh cần phải xem xét, tham khảo kỹ điểm trúng tuyển các năm trước để đối chiếu trước khi quyết định có điều chỉnh nguyện vọng hay không. Cuối cùng, thí sinh sắp xếp nguyện vọng từ trên xuống dưới theo mức điểm trúng tuyển của ngành yêu thích đó mà các trường đã công bố qua các năm, để đảm bảo đỗ được trường tốt nhất theo quan điểm của mình.

TS. Nguyễn Đào Tùng -Trưởng Ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính cũng cho biết: Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp thí sinh do “ảo tưởng sức mạnh” nên bỏ qua ngành đăng ký lúc đầu và tự mình đánh mất cơ hội trúng tuyển vào ngành học đó bằng cách thay đổi nguyện vọng lên một trường cao hơn. Sau đó, thí sinh đã trượt nguyện vọng vào ngành yêu thích và phải chấp nhận học ở một ngành học kém yêu thích hơn. 

Từ những tình huống thực tế trên, TS. Nguyễn Đào Tùng lưu ý: Việc thay đổi nguyện vọng phải có chiến lược rõ ràng. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành học yêu thích, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo 3 nấc thứ tự ưu tiên. 

Một là đăng ký nguyện vọng vào trường có ngành yêu thích có điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn điểm thi của mình; hai là đăng ký nguyện vọng vào trường có ngành mình yêu thích có điểm trúng tuyển ngang với điểm thi và cuối cùng là đăng ký vào trường có ngành yêu thích có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi.