Triển lãm thực tế ảo du lịch An Giang

Theo Trọng Tín/Báo An Giang

Không cần tập trung đông người, không cần đến nơi triển lãm, vào mọi lúc, ở mọi nơi vẫn có thể tìm hiểu thông tin về các khu, điểm du lịch, các tour, tuyến du lịch và trò chuyện, giao lưu, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người An Giang. Đây là những nét độc đáo mà triển lãm thực tế ảo du lịch An Giang do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang lần đầu tiên tổ chức mang lại.

Không gian triển lãm thực tế ảo du lịch An Giang. Ảnh minh họa
Không gian triển lãm thực tế ảo du lịch An Giang. Ảnh minh họa

Triển lãm được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu và triển lãm ảo về du lịch, vừa đảm bảo công tác đẩy mạnh xúc tiến, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch An Giang, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Trên nền tảng thực tế ảo của ứng dụng Seensio, ban tổ chức đã xây dựng không gian triển lãm dưới định dạng 3D, tái hiện cảm giác của các buổi triển lãm ngoài thực tế.

Nhờ đó, người tham quan triển lãm có thể tạo một nhân vật 3D giống mình ngoài đời thật. Sau đó, hóa thân thành nhân vật 3D tự do di chuyển tham dự triển lãm, thăm thú, trò chuyện, tương tác với nhau trong không gian ảo như ngoài đời thật bằng máy tính cá nhân, laptop, điện thoại thông minh (iOS, Android).

Bên cạnh đó, người tham dự có thể tạo nhân vật đại diện, rủ bạn bè tham gia sự kiện, thoải mái di chuyển và thăm thú không gian, cũng như chiêm ngưỡng tận mắt các hình ảnh, video du lịch An Giang, các thương hiệu và sản phẩm du lịch của An Giang.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, triển lãm được chia làm 4 kỳ với 4 chủ đề khác nhau, như: "Phục hồi du lịch An Giang"; "Sắc màu An Giang"; "Liên kết du lịch An Giang và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL"; "Đặc sản làng nghề An Giang".

Trong đó, kỳ 1 với chủ đề "Phục hồi du lịch An Giang" được tổ chức từ ngày 7 đến 15-11-2021. Giới thiệu hình ảnh, video, thông tin du lịch 4 khu, điểm chính: TP. Long Xuyên gắn với cù lao ông Hổ, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; TP. Châu Đốc gắn với Khu du lịch quốc gia núi Sam, chợ Châu Đốc, làng bè ngã 3 sông Châu Đốc; Khu sinh thái rừng tràm Trà Sư; Khu du lịch núi Cấm; mô hình 3D tượng phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm.

Bên cạnh đó là triển lãm các thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp (DN) du lịch, giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các chương trình, chính sách giá ưu đãi, điểm đến, điểm dừng chân, các dịch vụ vận chuyển, lưu trú của 16 DN trên địa bàn tỉnh.

Kỳ 2 với chủ đề “Sắc màu An Giang” được tổ chức từ ngày 24 đến 30-11, với sự tham gia của 20 khu, điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Triển lãm “Sắc màu An Giang” được thể hiện thông qua các lễ hội đặc sắc của tỉnh, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, địa điểm du lịch tâm linh tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm, sản vật cây thốt nốt… được thể hiện bằng các hiệu ứng 3D và audio giới thiệu về các lễ hội.

Kỳ 3 được tổ chức từ ngày 7 đến 13/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh phối hợp các địa phương, như: Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng, Long An và TP. Cần Thơ tổ chức triển lãm với chủ đề “Liên kết du lịch An Giang và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL”. Kỳ triển lãm này muốn giới thiệu đến du khách những thông tin tổng quan về du lịch ĐBSCL và những tiềm năng, điểm đặc trưng du lịch từng tỉnh, thành phố trong khu vực.

Với mục tiêu khai thác những giá trị đặc trưng của sông nước miền Tây, đồng thời thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch giữa các địa phương trong khu vực, giữa ĐBSCL với các khu vực khác trong cả nước và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của An Giang là sẽ cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực xây dựng những hình ảnh, điểm đến, các dịch vụ du lịch phù hợp với điều kiện dịch bệnh COVID-19, để từng bước phục hồi và phát triển ngành du lịch.

Kỳ triển lãm thứ 4 với chủ đề “Đặc sản làng nghề An Giang” sẽ giới thiệu về các đặc sản và làng nghề truyền thống, độc đáo của An Giang. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Du lịch, Công ty Cổ phần Du lịch An Giang Đặng Nguyễn Tâm Châu chia sẻ: “Tôi thấy có rất nhiều lượt khách đến tham quan triển lãm. Đây là hiệu ứng rất tốt cho ngành du lịch An Giang. Bởi dịp này, chúng ta sẽ quảng bá được tất cả những điểm đến của An Giang, như: Rừng tràm Trà Sư, Khu du lịch đồi Tức Dụp, núi Cấm… đến du khách. Sau khi phục hồi lại ngành du lịch, kỳ vọng du khách sẽ đi đến những điểm du lịch đã được quảng bá, giới thiệu trong triển lãm”.

Việc ứng dụng công nghệ số vào tổ chức “Triển lãm thực tế ảo du lịch An Giang” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh tổ chức, đã góp phần đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin về các khu - điểm du lịch, các tour, tuyến du lịch, về vẻ đẹp của văn hóa và con người An Giang đến với các DN lữ hành, du khách, đối tác trong cả nước, trong điều kiện thích ứng với dịch COVID-19. Đây là biện pháp vừa hiệu quả, tiết kiệm, vừa an toàn phòng, chống dịch bệnh để hướng tới phục hồi và phát triển du lịch An Giang hậu COVID-19.