Vào năm 2025 - mua sắm trên mạng xã hội có thể đạt 1.200 tỷ USD

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Nghiên cứu mới của Accenture cho thấy, doanh số mua sắm qua các mạng xã hội dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh gấp ba lần so với doanh số mua sắm trên kênh truyền thống, lên mức 1.200 tỷ USD vào năm 2025.

Thương mại xã hội toàn cầu sẽ tăng từ mức 492 tỷ USD năm 2021 lên 1.200 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Nguồn: Internet
Thương mại xã hội toàn cầu sẽ tăng từ mức 492 tỷ USD năm 2021 lên 1.200 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Nguồn: Internet

Theo Accenture, thương mại xã hội (social commerce - các giao dịch được thực hiện hoàn toàn trên các nền tảng mạng xã hội) sẽ tăng từ mức 492 tỷ USD năm 2021 lên 1.200 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.

Trong đó, xu hướng này được thúc đẩy chủ yếu là nhờ người dùng mạng xã hội thế hệ Millennial (thế hệ Y - sinh từ năm 1980 - 1994) và thế hệ trẻ Z (sinh từ khoảng năm 1995 - 2012). Hai nhóm này sẽ chiếm 62% tổng chi tiêu thương mại điện tử toàn cầu.

Thương mại xã hội có nghĩa là toàn bộ trải nghiệm mua sắm của một người - từ tìm kiếm sản phẩm, quyết định mua hàng, giao hàng, nhận hàng đều thông qua các giao dịch trên nền tảng mạng xã hội.

Thế giới có khoảng 3,5 tỷ người dùng mạng xã hội trong năm 2021, với thời gian sử dụng bình quân là 2,5 giờ mỗi ngày. Đây là hệ sinh thái mua sắm có nhiều tiềm năng cần được tận dụng khai thác trong thời gian tới.

Theo Accenture, gần 2/3 người dùng được khảo sát (64%) cho biết họ đã mua hàng trên các ứng dụng như Facebook, Tiktok, Wechat.

Phong cách mua sắm mới

Thời điểm hiện tại, thị trường thương mại xã hội tại Mỹ và Anh còn nhiều dư địa phát triển. Tại Trung Quốc, hiện khoảng 80% người dùng mạng xã hội đã mua sắm qua kênh này.

Trung Quốc được dự báo tiếp tục là thị trường mạng xã hội tiên tiến nhất thế giới về cả quy mô lẫn sự phát triển. Tuy nhiên, các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Brazil mới là những nước ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất.

Trưởng nhóm Phần mềm & Nền tảng toàn cầu tại Accenture là ông Robin Murdoch cho biết: “Đại dịch đã cho thấy mức độ cần thiết để sử dụng các nền tảng xã hội như phương thức hữu hiệu để tiếp cận tin tức, giải trí, truyền thông. Sự gia tăng đều đặn về thời gian dành cho mạng xã hội phản ánh mức độ thiết yếu của những nền tảng này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.

Ông Robin Murdoch nhận định: “Mạng xã hội đang định hình lại cách mọi người mua và bán. Điều này cung cấp cho các nền tảng và thương hiệu những cơ hội mới trong việc tiếp cận người tiêu dùng và gia tăng nguồn doanh thu”. Với nền tảng mạng xã hội, cơ hội là cho tất cả, không chỉ cho các doanh nghiệp lớn, mà còn cho các cá nhân và thương hiệu nhỏ.

Có đến hơn một nửa (59%) người mua trên mạng xã hội được khảo sát cho biết họ có nhiều khả năng ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng xã hội hơn là khi mua sắm qua các trang web thương mại điện tử. Khoảng 63% cho biết họ có nhiều khả năng mua lại từ cùng một người bán, cho thấy lợi ích của thương mại xã hội trong việc tạo dựng thương hiệu và khách hàng trung thành.

Mặt khác, một nửa số người dùng mạng xã hội được khảo sát cho biết họ lo ngại rằng các giao dịch mua trên mạng xã hội sẽ không được an toàn hoặc hoàn lại tiền đúng cách, khiến lòng tin trở thành rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng lâu dài.

Oliver Wright, Trưởng nhóm Dịch vụ và Hàng tiêu dùng toàn cầu tại Accenture cho hay: “Với những người chưa thực hiện giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội, một lý do khiến họ chần chừ là do sự thiếu tin tưởng vào tính xác thực của người bán trên mạng xã hội.

Trong khi đó, những người thường xuyên mua sắm trên các nền tảng này, họ góp ý về chính sách giao hàng, hoàn trả hàng, hoàn tiền,.. cần phải cải thiện thêm”.

 “Niềm tin từ khách hàng sẽ cần thời gian để đạt được. Nhưng chất lượng dịch vụ thì cần phải nhanh chóng cải thiện”, Wright nói.

Lựa chọn của người tiêu dùng sẽ mua gì?

Theo báo cáo của Accenture cho thấy, vào năm 2025, tỷ lệ mua hàng qua mạng xã hội cao nhất được dự đoán là quần áo (chiếm 18% tổng doanh thu vào năm 2025), đồ điện tử tiêu dùng (13%) và đồ trang trí nhà cửa (7%). Các mặt hàng thực phẩm tươi sống và đồ ăn nhanh cũng chiếm 13%, mặc dù doanh số bán gần như độc quyền ở Trung Quốc.

Chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân, mặc dù nhỏ hơn về tổng doanh thu nhưng được dự đoán sẽ nhanh chóng chiếm được vị thế trên bảng xếp hạng và chiếm hơn 40% chi tiêu kỹ thuật số trung bình cho danh mục này tại các thị trường chính vào năm 2025.

Những phát hiện mới trong nghiên cứu

Báo cáo của Accenture chỉ ra rằng, người tiêu dùng ở các nước đang phát triển có xu hướng sử dụng thương mại xã hội nhiều hơn và thường xuyên hơn. Tám trong số mười người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc lên các nền tảng mạng để mua hàng hóa, trong khi phần lớn người dùng mạng xã hội ở Anh và Mỹ vẫn chưa mua hàng qua phương thức đó.

Ở Ấn Độ, Trung Quốc Brazil, người mua sắm quan tâm nhiều hơn đến các tính năng giúp họ khám phá và đánh giá các giao dịch mua tiềm năng, trong khi những người ở Anh và Mỹ quan tâm nhiều hơn đến giá cả và chiết khấu.

Đáng chú ý, thế hệ người già coi niềm tin mua sắm là quan trọng hơn so với các thế hệ trẻ. Những người mua sắm lớn tuổi nhấn mạnh các tính năng bảo mật và coi trọng sự quen thuộc của thương hiệu trong khi thế hệ trẻ bị thu hút bởi các buổi phát sóng trực tiếp và đặt niềm tin nhiều hơn vào số lượng đánh giá của người mua.