Chăn nuôi, thủy sản và rau quả sẽ “kéo” tăng trưởng nông nghiệp cuối năm

PV.

Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp có 3 dư địa phát triển, giúp lấy lại cán cân tăng trưởng, đó là: chăn nuôi, thủy sản và rau quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời tại tọa đàm
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời tại tọa đàm

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã cho biết như vậy tại chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút đầu tư nông nghiệp bằng tái cơ cấu ngành”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16/9/2016, tại Hà Nội.

PV: Hiện nay, Mỹ vừa áp dụng thuế chống bán phá giá với các mặt hàng này khiến các doanh nghiệp lo ngại. Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để hỗ trợ DN và ngành sản xuất?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Gần đây, ngành Nông nghiệp đang tập trung nhiều vào lĩnh vực thủy sản, trong đó có tôm. Đây là đối tượng có nhiều dư địa phát triển trước mắt và lâu dài, đồng thời cũng là một trong những tiềm năng phải khai thác. 

Hiện nay, Mỹ dự kiến kiện bán phá giá tôm Việt Nam. Đây là lần thứ 11 Mỹ kiện sản phẩm này. Theo tôi, một khi chấp nhận “sân chơi” quốc tế đương nhiên chúng ta phải sẵn sàng tâm lý “đối đầu” với vấn đề này.  

Theo đó, để ứng phó với tình huống này, chúng ta phải có chế tài đầy đủ tiếp tục đấu tranh, đảm bảo minh bạch, bình đẳng. Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công thương để bàn bước đi. 

Song song với đó, chúng ta còn phải mở rộng khai thác các thị trường khác. Mới đây, đại diện Bộ NN&PTNT đã sang Úc thúc đẩy XK tôm nguyên con. Đến tháng 11/2016, phía Úc sẽ sang tổng kiểm tra điều kiện Việt Nam, mở ra triển vọng cho XK tôm nói riêng và thủy sản nói chung.

PV: Giống tôm là yếu tố quan trọng trong việc mở rộng sản xuất tôm. Bộ NN&PTNT đã có nhóm giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu phát triển, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tôm vẫn còn dư địa rất lớn. Hiện nay, có hai nhóm sản phẩm lớn: một là tôm sú, hai là thẻ chân trắng. Năm nay, ngành tôm sẽ phấn đấu cả năm đạt 660 nghìn ha nuôi trồng và sắp tới nâng lên 700 nghìn ha.

Đối với tôm thẻ chân trắng, hiện nay đã có 131 doanh nghiệp đã làm bước đầu cơ bản tốt khâu tiếp nhận mua giống nước ngoài về sản xuất. Sản xuất tôm giống bố mẹ đảm bảo được khoảng 20%. Dự tính 3- 5 năm nữa, với sự phát triển của các doanh nghiệp, chúng ta có thể cơ bản giải quyết được tôm giống bố mẹ của thẻ chân trắng, làm chủ con giống.

Với tôm sú, hiện Bộ NN&PTNT chỉ đạo Viện Thủy sản nghiên cứu ra sản phẩm ban đầu. Hiện nay, đang dùng tôm giống tận dụng ở điều kiện tự nhiên, trước mắt đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, bộ này đang tập trung chỉ đạo một số đề tài để phải giải quyết được tôm sú bố mẹ, đây là dư địa đặc biệt, có thể mở rộng diện tích, giá trị cao.

PV: Ngoài tôm, từ nay đến cuối năm, những lĩnh vực nào còn dư địa để có thể tập trung phát triển, đảm bảo cho tăng trưởng của ngành, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm đã âm 0,18%, thưa Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước tiên là chăn nuôi, trong chăn nuôi, cả ba nhóm gia cầm, đại gia súc và lợn đều rất thuận lợi.

Thị trường nội địa có dấu hiệu tích cực: Giá lợn, bò, gà đang tốt, đặc biệt là có thể XK (dù chỉ là XK tiểu ngạch). 

Dự báo, phía miền Bắc và cả nước, từ sau rằm Trung thu đến cuối năm nay, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ở thị trường nội địa và XK đều phát triển. Số liệu tổng hợp dự báo từ nay đến cuối năm tốc độ tăng trưởng được 4- 5%.

Thủy sản cũng là một dư địa phát triển từ nay đến cuối năm. Dự báo cuối năm XK vượt trên 3 tỷ USD, tính tổng kim ngạch XK thủy sản cả năm sẽ cán đích trên 7 tỷ USD.

Dư địa thứ ba là rau quả, đây là mặt hàng từ tháng 6 trở đi tốc độ phát triển tốt, tăng trưởng bình quân chung đạt 37%/tháng. Năm nay khả năng giá trị XK rau quả lần đầu tiên vượt gạo, đạt khoảng 2,5- 2,6 tỷ USD.

Ngoài ra, cây công nghiệp trừ cao su, sắn, gạo sụt giảm, còn lại điều, cà phê, tiêu đều tăng. Nhóm mặt hàng đó còn dư địa, các địa phương đang tập trung quyết liệt phát triển các mặt hàng này, với niềm tin sẽ đủ bù đắp cho ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng cuối năm.

PV: Xin cảm ơn ông!