Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ thâm canh bền vững

PV.

(Tài chính) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ thâm canh bền vững”. Tham dự Diễn đàn có hơn 310 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương.

Mục đích của Diễn đàn nhằm tạo điều kiện để người nuôi tôm các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tiếp cận với các thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, được giao lưu, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp góp phần giúp cho nghề nuôi tôm nước lợ thâm canh trong khu vực được phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh.

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học đã cảnh báo bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi đang diễn ra ngày càng phức tạp, hiện đã và đang lan rộng ra ở nhiều nước nuôi tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra các con đường lây lan của bệnh, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn kèm theo một số khuyến cáo cho người nuôi tôm trong công tác phòng chống, hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi. Đồng thời, đề nghị người nuôi tôm hết sức coi trọng khuyến cáo của các nhà khoa học và cần chấp hành đúng lịch thời vụ thả giống của địa phương quy định;

Đối với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện nên sớm áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm theo quy phạm VietGAP để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn môi trường, vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc; Đối với các cơ quan chức năng địa phương cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch vùng nuôi, cần tăng cường và có biện pháp quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, kiểm dịch chất lượng con giống, chất lượng các loại thức ăn và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi tôm trên địa bàn quản lý để giúp nghề nuôi tôm được phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, các nhà khoa đề nghị người nuôi cần quan tâm đối với những cảnh báo và khuyến cáo của các nhà khoa học và của cơ quan quản lý các cấp từ khâu xử lý ao, chọn giống, quản lý chăm sóc đến lúc thu hoạch tôm; thả nuôi đúng thời vụ; mật độ nuôi thích hợp; không thả nuôi liên tục trên các ao đã bị nhiễm bệnh; chú trọng các biện pháp sinh học (nuôi tôm kết hợp cá rô phi, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học…) để hạn chế sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh trong quá trình nuôi.