Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh:

Góp phần thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ngọc Thọ

(Taichinh) - Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh được thành lập và đi vào hoạt động đã hơn 20 năm. Và cũng chừng ấy thời gian, Trung tâm với những hoạt động của mình đã giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Mô hình chăn nuôi lợn của anh Lê Văn Tân, thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Ảnh: TTCC
Mô hình chăn nuôi lợn của anh Lê Văn Tân, thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Ảnh: TTCC

Trung tâm Khuyên nông - Khuyến ngư Quảng Ninh xây dựng được hơn 1.600 mô hình tại 14 huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, với sản xuất lúa, Trung tâm đã ứng dụng các giống lúa ngắn ngày năng suất, chất lượng cao để chuyển đổi mùa vụ. Đã chuyển đổi thành công các giống lúa năng suất thấp, chất lượng kém sang cấy lúa năng suất cao, chất lượng tốt, như giống hương thơm số 1, bắc thơm số 7; TBR 45; BC 15; RVT, tám đột biến, QR1... Tại một số địa phương như Đông Triều, Quảng Yên đã cấy giống lúa chất lượng cao từ 75-80% diện tích. Với những diện tích trồng lúa chưa chủ động được nước tưới, hiệu quả sản xuất không cao, Trung tâm đã xây dựng thành công trên 160 ha mô hình các giống ngô lai, ngô nếp năng suất đạt 4,5 tấn/ha, cá biệt có loại đạt trên 7 tấn/ha… với năng suất lúa đạt 60 tạ/ha.

Đặc biệt, thành công phải kể đến là mô hình cánh đồng mẫu lớn vừa giúp nông dân có phương pháp sản xuất mới, năng suất cao, tăng năng suất toàn bộ cánh đồng hơn khoảng 10% so với sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Các mô hình trồng rau an toàn quy mô 36 ha, kinh phí 756 triệu đồng được nhân rộng đạt hiệu quả, góp phần đưa diện tích trồng rau toàn cả tỉnh năm 2014 lên trên 9.000ha, trong đó gần 500ha trồng rau an toàn. Mô hình trồng hoa cao cấp cho hiệu quả kinh tế khá cao, bắt đầu được nhân rộng.

Để phát triển ngành chăn nuôi, hệ thống khuyến nông đã xây dựng được 126 mô hình tại 160 địa điểm với 3.866 hộ gia đình tham gia, trong đó tiêu biểu là chương trình phát triển đàn bò, đàn lợn với 29 mô hình chăn nuôi lợn tại 32 địa điểm, quy mô 1.373 con với 384 hộ tham gia, trong đó lợn thịt hướng nạc 14 mô hình, lợn nái ngoại 6 mô hình, lợn nái Móng Cái 9 mô hình. Chương trình phát triển đàn gia cầm với 64 mô hình tại 83 địa điểm, quy mô trên 67.000 con bao gồm gà chuyên trứng, chuyên thịt, gà kiêm dụng (gà thả vườn), gà an toàn sinh học, ngan Pháp.

Riêng đối với các mô hình khuyến ngư, Trung tâm đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thường xuyên tổng kết đánh giá, nhân rộng các mô hình, điển hình hiệu quả, những kinh nghiệm quý trong nhân dân để từng bước nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả trong sản xuất thuỷ sản. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT cho hiệu quả kinh tế, xã hội cao được nhân rộng đạt kết quả như: Mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính; mô hình nuôi cá lăng vàng, lăng chấm, trắm đen, nuôi tôm chân trắng; nuôi cua biển trong ao, trong rừng ngập mặn; mô hình chuyển đổi nuôi một số loài cá biển trong ao; nuôi cá lồng biển với một số loài cá có giá trị kinh tế như cá song, cá vược, cá hồng mỹ, cá giò; mô hình nuôi hầu Thái Bình Dương; nuôi tu hài; nuôi ốc hương… cho hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong quý I/2015, Trung tâm đã triển khai thực hiện các chương trình đề án, dự án nguồn vốn Xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện các đề án: “Chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản cho các địa phương miền núi tỉnh Quảng Ninh” trình UBND tỉnh thẩm định phê duyệt; triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học để phân hủy rơm rạ sau thu hoạch trình Sở; đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” phối hợp cùng với Liên danh Công ty cố phần Nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Bạch Đằng - Bộ Công An (Sử dụng phân bón Bode 688 , Máy đo môi trường đất); dự án trồng thử nghiệm cây chùm ngây ở huyện miền núi Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh; dự án phát triển Cây Cam; Trung tâm đề xuất Sở NN&PTNT trình cấp kinh phí in ấn xuất bản sách “ 74 Quy trình kỹ thuật áp dụng cho 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung tỉnh Quảng Ninh về lĩnh vực Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp và Thủy sản”.

Theo lãnh đạo Trung tâm, từ nay đến hết năm 2015, Trung tâm tiếp tục triển khai theo tiến độ các mô hình, dự án đã dược phê duyệt; xây dựng mô hình Khuyến nông - Khuyến ngư sử dụng nguồn vốn sự nghiệp năm 2015 ngân sách tỉnh; thực hiện theo tiến độ các dự án ngân sách Trung ương năm 2015. Trung tâm bố trí cán bộ tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp. Sẽ bám sát, cụ thể hoá chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh, của ngành nông nghiệp, của địa phương, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh và đời sống cho người nông dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và tham gia xây dựng nông thôn mới. Trung tâm sẽ tích cực tham mưu cho các cấp, ngành thuộc tỉnh, địa phương quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho công tác khuyến nông; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các phòng Kinh tế, phòng NN&PTNT, các Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn… Chỉ đạo các hộ nông dân tham gia mô hình thực hiện đầy đủ các tiêu chí của chương trình đặt ra để tiến hành tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Trung tâm cắt cử cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoặc trực tiếp chỉ đạo thực hiện mô hình theo từng công đoạn của quy trình sản xuất; phối hợp với chủ mô hình và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Tổ chức đánh giá, nghiệm thu, tổng kết và nhân rộng thành công của mô hình...