Hướng tiếp cận thị trường châu Âu với ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và rau quả

Vân Nguyễn

Ngày 10/09/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường châu Âu – Bộ Công Thương kết hợp với Dự án hỗ trợ Chính sách thương mại và Đầu tư của châu Âu (Mutrap) đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách tham khảo về hệ thống phân phối châu Âu và lấy ý kiến về hướng dẫn tiếp cận thị trường EU đối với ngành đồ gỗ, rau quả và thủ công mỹ nghệ.

Hướng tiếp cận thị trường châu Âu với ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và rau quả. Ảnh: Ái Vân
Hướng tiếp cận thị trường châu Âu với ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và rau quả. Ảnh: Ái Vân

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã chia sẻ những vướng mắc khó khăn khi xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam vào thị trường châu Âu như áp lực yêu cầu giảm giá từ phía người mua trong khi chi phí sản xuất và lao động tăng lên, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thiếu năng lực thiết kế chuyên nghiệp, cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ như: Indonesia, Lào, Camphuchia, Nam Phi, Myanma….là những nước có nguồn rừng phong phú. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp rất thiếu thông tin về thị trường châu Âu...

Theo đó, các chuyên gia trong ngành đã đưa ra khuyến nghị chung cho các nhà sản xuất phải quan tâm đến quy định ngày càng cao của EU về nguồn gốc gỗ và các chứng chỉ liên quan. Nên quan tâm đến việc trồng và phát triển rừng bền vững, ưu tiên phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tạo ra một khu vực nghiên cứu và phát triển, phân tích khách hàng xuất khẩu của công ty, doanh nghiệp. Mua các báo cáo về xu hướng hoặc thuê tư vấn thực hiện một hội thảo về xu hướng, lập phòng thiết kế và trưng bày hiện đại thể hiện những bộ sưu tập mới cho khách hàng…

Về ngành hàng rau quả, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị phải giữ chữ tín cho sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm rau quả tươi, đa dạng hóa sản phẩm, quảng bá cho sản phẩm qua các phương tiện khác nhau, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo slogan cho sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa các tác nhân, phối hợp chặc chẽ với địa phương, tính đến các rủi ro thời tiết, giống, sâu bệnh… Ngoài ra, nên tổ chức cho đối tác tham quan tại các vùng sản xuất, cơ sở chế biến và tổ chức tham quan tại thị trường châu Âu.

Về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Việt Nam còn gặp khó khăn khi giá nhân công thấp theo mùa vụ, không được đào tạo bài bản, trình độ sản xuất chủ yếu là thủ công, nghiên cứu phát triển mẫu mã chưa cao thường theo đặt hàng nước ngoài hoặc theo mẫu dập khuôn Trung Quốc. Tuy nhiên, thế mạnh của ngành thủ công mỹ nghệ nước ta là có truyền thống lâu đời, đa dạng về chủng loại: gốm sứ, mây tre đan, mỹ nghệ, sơn mài, hàng thêu ren-thổ cẩm… mang giá trị văn hóa cao nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường xuất khẩu ổn định và ngày càng mở rộng.

Các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp ngành hàng thủ công mỹ nghệ nên tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, gửi catalogue giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm tới Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng trang web…