Kinh doanh lúa gạo: Tháo gỡ bất cập trong chính sách cho doanh nghiệp

PV.

Tại hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016” do Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT tổ chức chiều 27/5, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo nêu kiến nghị với hy vọng sẽ được tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong xuất khẩu mặt hàng chiến lược này.

Cần có sự thay đổi tư duy về vai trò của lúa gạo
Cần có sự thay đổi tư duy về vai trò của lúa gạo

Bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Công ty Thành Phương cho biết, doanh nghiệp của bà hiện đang tập trung đầu tư trồng lúa sạch để xuất khẩu với quy mô 150.00 tấn/ năm. Để xin được giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải trả chi phí 1 USD/tấn, đó là chưa kể các chí phí “lót tay” khác. Theo DN này, họ có thể chỉ phải đăng ký chứ không phải đi xin giấy phép vì việc xin giấy phép sẽ làm tăng thêm chi phí.

Tại hội thảo, nhiều DN cũng đề xuất cấp thẩm quyền xem xét lại Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thực tế, Nghị định 109 được ban hành với kỳ vọng là đưa ngành xuất khẩu gạo Việt Nam ổn định, tránh tình trạng tranh mua tranh bán, nâng cao độ đồng đều hạt gạo Việt Nam lên.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các DN vừa và nhỏ đang sản xuất, kinh doanh gạo chất lượng cao như gạo hữu cơ, gạo an toàn, gạo thảo dược… đang thu về giá trị cao hơn gạo thường. Nhưng để đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định 109 thì họ khá vất vả khi phải lo đủ cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng như kho, xay sát để họ nhận được giấy phép xuất khẩu. “Thường thì muốn xuất khẩu DN phải thông qua một đơn vị trung gian khác. Đã thông qua ủy thác thì phải mất phí”, ông Định cho biết.

Ông Đặng Quang Vinh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng trong Nghị định 109 quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo yêu cầu đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Trong khi đó, Hiệp hội này lại có các thành viên chủ chốt là Tổng công ty Lương thực Việt Nam. Như vậy DN xuất khẩu lại phải khai báo cho một DN khác mà ở đây chính là “đối thủ” của mình.

“Một doanh nghiệp nắm trong tay quyền từ chối hay cho phép một doanh nghiệp trong xuất khẩu. Điều này tạo ra sự không bình đẳng, tạo ra rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó đối với hợp đồng xuất khẩu tập trung, các bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ định thương nhân ký kết hợp đồng và phân bổ thực hiện ủy thác xuất khẩu (80% hợp đồng được chỉ định). Điều này tạo cơ chế thiếu cạnh tranh”, ông Vinh nhận định.

Theo ông Đặng Quang Vinh, tư duy quản lý xuất khẩu gạo như vậy là lạc hậu, cơ học, thiên về số lượng, không nâng cao được chất lượng gạo cũng như không làm tăng giá gạo xuất khẩu và thu nhập nông dân.

Cách làm này chỉ tăng quyền lực cho các DN xuất khẩu lớn, loại DN nhỏ khỏi thị trường và tạo thêm sức ép cho nông dân. Thị trường xuất khẩu kém cạnh tranh, chi phí gia nhập thị trường rất lớn, thị trường tập trung trong tay Hiệp hội sẽ hạn chế sự sáng tạo của DN cũng như hạn chế xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao nhưng sản lượng nhỏ.

Theo thống kê các hợp đồng tập trung yêu cầu số lượng gạo lớn ngày càng giảm, thay vào đó là các hợp đồng yêu cầu về chất lượng và đặc tính chuyên biệt của gạo ngày càng cao. Vì vậy, cần có sự thay đổi tư duy về vai trò của lúa gạo, phải lấy giá trị thay cho số lượng và thu nhập thực tế của nông dân phải được xác định là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Từ đó mới có thể nâng cao vai trò của nông dân, người trồng lúa, hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất.