Làm giàu từ nuôi nhím

Lê Cường

Nhắc đến Phạm Văn Hoàn, bà con ở thôn Thu Trường, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch ai ai cũng bày tỏ sự khâm phục bởi nghị lực vượt khó, không đầu hàng trước những thất bại, không cam chịu cái nghèo ở vùng đất nghèo.

Anh Phạm Văn Hoàn đang giới thiệu kinh nghiệm nuôi thỏ cho bà con. Ảnh Lê Cường
Anh Phạm Văn Hoàn đang giới thiệu kinh nghiệm nuôi thỏ cho bà con. Ảnh Lê Cường

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, điều kiện kinh tế không có, lại đông anh em phải chạy ăn từng bữa nên cái ăn cái học của anh em của anh chẳng đâu tới đâu. Chàng trai trẻ Phạm Văn Hoàn, sinh năm 1979, vì thế cũng như hầu hết nhiều thanh niên cùng trang lứa phải đi vào các tỉnh miền Nam làm thuê kiếm sống.

Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định do không có trong tay một cái nghề thực thụ, cuộc sống thì làm bữa sáng phải lo bữa tối. Vì thế, lăn lộn bươn chải làm thuê nhiều năm mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng, giấc mơ làm giàu nơi xứ người trở nên xa ngái. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trằn trọc, anh cũng ngẫm ra được rằng chỉ có mảnh đất quê hương mới có thể giúp anh khởi nghiệp, thoát khởi phận nghèo, thoát khỏi cảnh lao đao nơi xứ người. Thế nên đứng trước suy nghĩ đó đã thôi thúc anh trở về quê lập nghiệp, làm giàu chính nơi mảnh đất của gia đình mình.

Thu Trường là một địa phương nằm chạy dọc ven bờ nam sông Gianh, đất đai ít, lại thường xuyên chịu lũ lụt, người dân cả năm chủ yếu chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cái nghèo vẫn đeo đẳng theo suốt bao năm. Vậy nên, bài toán nuôi con gì, trồng cây gì để đem lại hiệu quả đang là một bài toán đầy thách thức đang chờ Phạm Văn Hoàn trong hành trình vươn lên làm kinh tế trên mảnh đất quê hương. Anh Hoàn nhớ lại “ khi anh đưa chuyện vay vốn đầu tư để làm kinh tế bàn với gia đình thì rất nhiều người rất ái ngại. Họ nói quê mình từ lâu đã thế rồi, một năm 2 vụ lúa, biết làm gì khác để mà… mơ mộng làm giàu. Vợ anh thì bảo đi làm thuê cho rồi. Nhưng với khát khao vượt lên phận nghèo anh vẫn âm thầm nuôi ý định tìm nuôi nhiều loài giống mới có hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Năm 2007, một lần tình cờ xem được trên tivi về mô hình nuôi nhím có hiệu quả, là loài động vật hoang dã, dễ nuôi nhưng lại là loài rất có giá trị về kinh tế, thị trường lại có nhu cầu mua rất lớn. Nghĩ là làm. Anh đã quyết định đầu từ gần 30 triệu đồng mua 5 con nhím làm giống sinh sản.

Ban đầu do thiếu kiến thức chăn nuôi cơ bản cho nhím như cách thức làm chuồng trại, chọn thức ăn, chăm sóc nên anh đã tìm mua sách, báo, tìm kiếm trên mạng... để có được hiệu quả cao nhất trong quy trình chăn nuôi. Nhờ những kiến thức có được, anh đã đa dạng hóa được nguồn thức ăn cho nhím. Thức ăn chủ yếu của nhím gồm ngô, khoai,sắn, lá, quả trong tự nhiên. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng các phụ phẩm của nông nghiệp và các cây trồng có vị chát, ngọt, bùi trồng trong vườn. Không phụ lại sự cần mẫn, chăm sóc của anh, nhím giống đều sinh sản tốt với một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứ 2 con và đang mang lại hi vọng thu nhập khá cho gia đình.

Tuy nhiên, “ người tính không bằng trời tính”, sau gần 3 năm đàn nhím của anh Phạm Văn Hoàn đã sinh sản gần 40 con gồm nhiều nhím con bán giống và nhím để bán thịt với mỗi con gần 8 kg thì giá nhím lại sụt giảm rất lớn. Giá mỗi kg nhím thương phẩm bán lấy thịt lúc này rớt xuống chỉ còn 150 ngàn/ kg. Trước kia do thương lái Trung Quốc thu mua nên đã đẩy giá nhím giống lên rất cao( lúc anh mua giống) nhưng sau một thời gian thì lại sụt giảm thê thảm. Bên cạnh đó, nguồn giống nhím lúc này trong địa phương và các tỉnh khác đã gần như bão hòa, không còn khan hiếm như trước kia nên giá nhím con bán giống rất ít có người mua, nếu mua lại bị ép giá..

Thất bại đầu tiên từ việc nuôi nhím do không tính toán về bài toán thị trường lâu dài không làm cho anh nhụt chí. Đến đầu năm 2011, anh lại mạnh dạn vay 40 triệu đồng vốn của ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chăn nuôi gà, với gần 500 con. Do vốn ít cộng với lúc này anh vẫn còn đang nuôi nhím để vớt vát một chút tiền vốn, cũng như giữ giống để chờ thời cơ giá nhím tăng trở lại nên lúc này anh chăn nuôi gà theo phương thức gối đầu. Nhờ đó mà lúc nào trong chuồng trại nhà anh cũng có nguồn gà để bán. Ngoài ra phương pháp nuôi của anh cũng giúp anh linh hoạt chọn được thời điển để đem xuất bán sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhưng không biết có phải cuộc sống đang “ trêu ngươi” anh không mà chính thời điểm đàn gà của anh mới bán được 1, 2 lứa thì lại xảy ra dịch cúm, gà đến ngày bán không bán được hoặc bán với giá bèo bọt, như cho. Thua lỗ và hết vốn khiến cuộc sống gí đình anh lúc này lâm vào cảnh lao đao, nợ nần.

Trong cảnh khó khăn, chán nản đến tột cùng tột cùng thì người ta mới một “ nghị lực thép”, sự kiên gan đến lạ lùng trong sâu thẳm ý chí của chàng trai trẻ Phạm Văn Hoàn . Anh suy nghĩ những thất bại của anh chỉ là do một phần yếu tố khách quan từ bên ngoài như tính thời điểm về giá cả thị trường, dịch bệnh chứ không phải là anh không nuôi được, không làm được.

Vì thế, từ đó đến nay với phương châm lấy ngắn nuôi dài, giữ lại con giống, âm thầm chờ đợi thời cơ để đón đợi thị trường, ngày qua ngày cần cù chịu khó nên chuồng trại của anh vẫn được giữ vững và đang dần dần phát triển mạnh trở lại.

Nhờ đức tính cần cù siêng năng cộng với một ý chí “ bại mà không nản”. Hiện tại, khu chuồng trại của gia đình anh rộng gần 1000m vẫn duy trì được 20 con nhím sinh sản, gần 300 con gà nuôi, hơn 20 con thỏ sinh sản và nhiều diện tích trồng cây ăn quả. Mỗi năm cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng. Đây là một nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với anh Phạm Văn Hoàn trong hoàn cảnh cần vốn để thực hiện giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ngoài ra, gần đây anh đang đưa giống thỏ sinh sản vào nuôi thử nghiệm và bước đầu cho một số kết quả rất khả quan về hiệu quả kinh tế.

Mặc dù những năm qua, các con giống mới vẫn chưa giúp gia đình anh vươn lên khấm khá nhưng nghị lực, ý chí vượt nghèo của anh thật đáng để mọi người trân trọng. Tin tưởng rằng một ngày không xa, anh sẽ làm giàu được bằng những hướng đi táo bạo của mình.