Ninh Thuận dồn lực chống hạn

PV.

Đến thời điểm này, toàn bộ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cơ bản đã được giải ngân thông qua các chương trình ứng phó với hạn hán rất hiệu quả như hỗ trợ nước sinh hoạt, chuyển đổi giống cây trồng.

Hạn hán diễn ra gay gắt
Hạn hán diễn ra gay gắt

Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về ứng phó với những thiệt hại do thiên tai xảy ra trong thời gian qua của Ninh Thuận.

Thưa ông, từ đầu năm 2015 đến nay hiện tượng El Nino đã gây thiệt hại và làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Xin ông cho biết cụ thể những thiệt hại của tỉnh đến thời điểm này?

-Đây là đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 11 năm trở lại đây (từ năm 2004 đến nay). Lượng nước trong các hồ đã cạn, tính đến ngày 12/5/2016, tổng dung tích 20 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện còn 30,03 triệu m3/192,21 triệu m3, bằng 15,62% dung tích thiết kế; đã có 2 hồ cạn kiệt từ tháng 2/2016, 9 hồ dưới mực nước chết…

Bên cạnh đó, trong năm 2015, diện tích cây trồng toàn tỉnh bị thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên đến trên 700 tỷ đồng; 2.515 con gia súc bị chết. Hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trong những tháng đầu năm 2016, tính đến cuối tháng 4/2016, có 6.045 khẩu/1.600 hộ thiếu nước sinh hoạt; diện tích cây trồng bị hư hại, ngừng sản xuất ước tính thiệt hại 122 tỷ đồng; 2.167 con gia súc bị chết, ước thiệt hại 4,9 tỷ đồng. Tình hình hạn hán làm đất đai bị sa mạc hóa ngày càng lớn, khó canh tác.

Được biết, trước tình hình đó, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ nguồn lực lớn nhằm giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí đó như thế nào, thưa ông?

-Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, các tổ chức cá nhân hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí và các vấn đề khác để bà con khắc phục khó khăn. Chính phủ đã hỗ trợ 172 tỷ đồng và đợt 1/2016 cùng với 21 tỉnh Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho Ninh Thuận 47 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí này tỉnh đã tập trung triển khai các công trình khắc phục cấp bách cũng như lâu dài ứng phó với hạn hán.

Chúng tôi xác định nhu cầu nước sinh hoạt là rất cần thiết, về trước mắt cũng như lâu dài, nên đã đấu nối hệ thống cấp nước sinh hoạt bằng cách khoan giếng phục vụ cho người dân và gia súc; hỗ trợ nhiên liệu bơm mặn, nạo vét ao hồ và mở rộng hệ thống kênh mương ở những vùng có khả năng… Các địa phương tổ chức di chuyển trên 8.300 con gia súc đến nơi thuận lợi về thức ăn, nước uống.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ giống tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất là cây trồng bị thiệt hại nặng mà bà con không có tiền để mua giống tiếp tục duy trì sản xuất; hỗ trợ thức ăn cho gia súc và cây trồng trong chăn nuôi. Cụ thể, vụ Đông Xuân 2015-2016, nông dân các địa phương đã chuyển đổi 1.370ha cây trồng cạn như: Đậu xanh, bắp đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. UBND tỉnh phân bổ 36,7 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị thực hiện công tác chống hạn… Đến nay, toàn bộ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho tỉnh cơ bản đã giải ngân hết.

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình nắng nóng gay gắt và nghiêm trọng trên địa bàn có thể kéo dài đến tháng 8/2016. Nhằm hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai vẫn còn xảy ra, tỉnh Ninh Thuận có kiến nghị gì, thưa ông?

- Từ nay đến tháng 8, trên địa bàn tỉnh sẽ không xảy ra các đợt lũ tiểu mãn, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nước cho chăn nuôi gia súc, nước phục vụ sản xuất là rất lớn. Vì vậy, không chỉ trước mắt mà về lâu dài, Ninh Thuận luôn là một tỉnh luôn thiếu nước. Do đó tỉnh cũng yêu cầu Trung ương hỗ trợ các các công trình hồ đập kênh mương, hồ chứa, đê kè biển… để bảo vệ một số khu vực xung yếu. Song song đó, giúp tỉnh tham gia một số dự án ứng phó với biến đối khí hậu của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Châu Á… Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ một số chương trình nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu như hỗ trợ chương trình về giống chịu hạn; áp dụng kỹ thuật tiến bộ đối với tưới tiết kiệm nước. Đây là vấn đề mà tỉnh đang trăn trở và rất cần.

Đặc biệt, khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận hiện nay là thiếu nguồn lực và kinh phí để ứng phó với hạn hán. Vì vậy, trong đợt nắng khô hạn sắp tới, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ cho Ninh Thuận. Trước tiên, việc hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian sắp tới cũng là hết sức cần thiết. Cùng với đó, hiện tỉnh đã có văn bản chính thức gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ 160 tỷ đồng.

Xin cảm ơn ông!