Phấn đấu giải ngân kịp thời số tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định

M.L

(Tài chính) Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho biết như vậy khi trao đổi với chúng tôi về tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong năm 2015.

Ông Phạm Hồng Lượng (bên phải), Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp tại Lễ ký kết hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng mẫu tại tỉnh Yên Bái.
Ông Phạm Hồng Lượng (bên phải), Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp tại Lễ ký kết hợp đồng chi trả dịch vụ môi trường rừng mẫu tại tỉnh Yên Bái.

Nhìn lại sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR (2011 - 2014), xin ông cho biết tình hình thực hiện thu, chi của quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) đến thời điểm hiện nay như thế nào?

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2015 sẽ phấn đấu duy trì nguồn thu đạt khoảng 1.307 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương thu 917 tỷ đồng, các tỉnh thu 390 tỷ đồng đảm bảo chi trả cho trên 5 triệu ha rừng được quản lý bảo vệ bằng tiền dịch vụ môi trường rừng và giải ngân kịp thời số tiền dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng theo quy định hiện hành.

Đến thời điểm hiện nay, quỹ Trung ương đã thu 998,9 tỷ đồng; điều phối và giải ngân cho các quỹ tỉnh là 1.107,4 tỷ đồng.

Quỹ tỉnh thu từ các nguồn thu DVMTR nội tỉnh là 334,2 tỷ đồng và đến 25/3/2015, các Quỹ tỉnh đã giải ngân 770,3 tỷ đồng đến các chủ rừng và tổ chức không phải chủ rừng (cho khoảng 5,78 triệu ha rừng).

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ở một số địa phương còn những hạn chế, Vậy, đâu là là khó khăn vướng mắc lớn nhất trong quá trình thu chi quỹ DVMTR?

Đúng là thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là tình trạng nợ đọng tiền DVMTR vẫn tiếp tục. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là các nhà máy thủy điện, chủ yếu là thủy điện tư nhân dưới 30MW chậm trả tiền DVMTR.

Cụ thể, một số địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình…các nhà máy thủy điện tiếp tục tìm nhiều lý do để thoái thác việc ký hợp đồng và thực hiện thanh toán tiền DVMTR cho các quỹ tỉnh.

Bên cạnh đó, một số quỹ tỉnh, tiền DVMTR vẫn còn tồn đọng, không có đối tượng chi. Vẫn có sự chênh lệch lớn về nguồn thu giữa các tỉnh và chênh lệch về mức chi trả bình quân/ha giữa các lưu vực.Ví dụ đơn giá chi trả khác nhau đã dẫn đến thực sự không công bằng giữa các tỉnh cùng lưu vực sông chính như: Điện Biện, đơn giá chi trả cao nhất là 260.000 đồng/ha, thấp là 826 đồng/ha; Lào Cai, đơn giá chi trả cao nhất là 307.000 đồng/ha, thấp nhất là 38.000 đồng/ha…

Hơn nữa, một số quỹ tỉnh có nguồn thu tiền trồng bù rừng nhưng chưa có quy định cụ thể về quản lý, sử dụng nguồn tiền này. Một số quy định còn chưa cụ thể (DVMTR đối với cơ sở du lịch, cơ sở công nghiệp, hấp thụ các bon, nuôi trồng thủy sản)… khó thực hiện

Thậm chí, một số tỉnh chưa tăng cường công tác chỉ đạo như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa…), kiểm tra, giám sát và giải thích quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR đảm bảo việc sử dụng kinh phí minh bạch, đúng mục đích, đối tượng và kịp thời, dẫn tới vẫn còn hiện tượng hiểu sai chính sách, phản ánh không đúng chính sách, khiếu nại như Điện Biên, Kon Tum…

Theo ông, để thực hiện nghiêm túc chính sách chi trả DVMTR trong thời gian tới, tránh tình trạng nợ đọng, cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ gì?

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở sản xuất thủy điện thực hiện nghiêm túc chính sách chi trả DVMTR, kê khai, ký kết hợp đồng và chi trả đầy đủ cho các Quỹ BV&PTR các cấp.

Bộ NN&PTNT cũng nghiên cứu, ban hành quy định về quản lý, sử dụng khoản nộp tiền trồng bù rừng. Đồng thời, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh sử dụng tiền chưa có đối tượng chi vào mục đích bảo vệ và phát triển rừng, cũng như nghiên cứu, sửa đổi quy định tịa Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT về nghiệm thu, thanh toán tiền DVMTR.

Đối với các tỉnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách ở các địa phương. Trong đó, trọng tâm là đôn đốc công tác thu nộp đầy đủ và giải ngân tiền DVMTR kịp thời cho chủ rừng. Chỉ đạo các địa phương tích cực giải ngân tiền DVMTR cho chủ rừng năm 2014 theo đúng quy định và trình tự thủ tục, phấn đấu hết 30/4/2015 đạt tỷ lệ giải ngân trên 80%.

Song song đó, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan chức năng, tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thực thi chính sách chi trả DVMTR tại các vùng trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung), đảm bảo ít nhất một vùng có ít nhất từ 1 – 2 tỉnh được tiến hành kiểm tra, đánh giá thực thi chính sách.

Xin cảm ơn ông!