Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tái cơ cấu nông nghiệp tránh hình thức, phong trào

PV.

Tái cơ cấu nông nghiệp là lĩnh vực khó, cần nhiều thời gian, vì vậy không thực hiện vội vàng để tránh rơi vào hình thức, phong trào.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc về tái cơ cấu nông nghiệp
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc về tái cơ cấu nông nghiệp

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về về tái cơ cấu ngành diễn ra ngày 25/8.

Sau 3 năm thực hiện Đề án “ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án, hoặc kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ khá cao, tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; Giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ 2013 đến 2015 tăng mạnh, đạt 88 tỉ 300 triệu đô la, trung bình đạt gần 29 tỉ 500 triệu đô la/năm. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện…

Những kết quả này đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, bình quân thu nhập hộ nông dân đã tăng từ 73,2 triệu đồng vào năm 2012 lên 97,6 triệu đồng năm ngoái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế như: sức cạnh tranh nông sản chưa cao, chuỗi giá trị còn ngắn, thị trường xuất khẩu chưa bền vững. Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm nông sản còn nhiều bất cập, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư chưa cao, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp trên cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa….

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, để thúc đẩy tái cơ cấu ngành thời gian tới cùng với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng 3 trục phát triển theo hướng lựa chọn ra những sản phẩm chủ lực ở: cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương trên cơ sở đánh giá về những sản phẩm lợi thế, đặc thù địa lý của từng vùng, miền trên cả nước.

Từ đó đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành xây dựng chính sách và quy hoạch cụ thể với sự tham gia của các chủ thể trong tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng việc thu hút doanh nghiệp tham gia ở từng cấp độ đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. Ông Nguyễn Xuân Cường nói: Nút thắt cần giải quyết hiện nay đó là tích tụ ruộng đất thế nào khi mà yêu cầu của sản xuất lớn, của doanh nghiệp đầu tư ngày càng cao. Bộ đang cùng với ngành Tài nguyên nghiên cứu để đề xuất Chính phủ thời gian tới để tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư nông nghiệp. Bên cạnh đó ngành cũng đang rà soát lại các chính sách ưu đãi khuyến khích hỗ trợ nông nghiệp cho người sản xuất, tổ chức kinh doanh và chuyên gia nghiên cứu khoa học công nghệ và kinh tế nông thôn nói chung, trong đó có nông nghiệp

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận kết quả và đánh giá cao nỗ lực toàn ngành nông nghiệp trong thực hiện Tái cơ cấu thời gian qua.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay nông nghiệp là mặt trận đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế. Bởi, người dân nghèo chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, vì vậy việc tập trung tái cơ cấu có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới.

Tái cơ cấu phải đi đôi với mô hình tăng trưởng hợp lý, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên, nguồn nhân lực phải chuyển sang mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao, với nguồn nhân lực chất lượng cao từ đó nâng cao năng suất chất lượng, giá trị nông sản qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục rà soát lại các quy hoạch theo hướng cập nhật, bổ sung từ quy hoạch ngành theo cấp độ quốc gia, vùng, miền, địa phương trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch phải đáp ứng ứng phó biến đổi khí hậu, từ đó có lộ trình thực hiện hiệu quả làm căn cứ triển khai nguồn lực. Phó Thủ tướng chỉ rõ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển và yêu cầu của thị trường; các Đề án và kế hoạch phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn và bảo vệ tài nguyên môi trường. Đặc biệt trong quá trình triển khai không vội vàng, tránh tình trạng hình thức và phong trào.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, tái cơ cấu nông nghiệp là lĩnh vực phức tạp chúng ta không thể vội vàng mà cần có thời gian để làm từng bước, bền vững, tránh cách làm hình thức phong trào trong quá trình thực hiện. Tái cơ cấu không chỉ làm ra những sản phẩm mà chúng ta có thể làm, mà phải hướng đến những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, từ đó phải xây dựng được các tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế, nhất là những quốc gia mà chúng ta đã ký kết các hiệp định đàm phán song phương và đa phương. Bên cạnh đó phải xác định những sản phẩm chủ lực, lợi thế cạnh tranh để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm./.