Xây dựng quy hoạch sát thực tế để đánh thức tiềm năng mô hình nuôi cá lồng bè

PV.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nuôi cá lồng bè trong sông suối và hồ chứa có hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên nhiều tỉnh chưa có qui hoạch cụ thể để phát triển mô hình này. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch phát triển nuôi thuỷ sản đến năm 2020

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn
Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn

Ngày 23/9/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN&PTNT Tuyên Quang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc”. 

Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu tham dự, đặc biệt là đông đảo bà con nông dân nuôi cá lồng, bè tại các tỉnh trong vùng (Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang).

Cần đánh thức tiềm năng nuôi cá lồng bè trên hồ chứa

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), khu vực Trung du miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: "Nuôi cá lồng bè trong sông suối và hồ chứa có ưu thế nước sạch, hàm lượng ôxy cao nên cá lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, rất dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với nuôi cá ở ao hồ tự nhiên.

Từ lợi ích đó cần đánh thức tiềm năng nuôi cá lồng bè trên hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng thời giúp bà con nâng cao nhận thức về vai trò của các hồ chứa trong đời sống sinh hoạt cũng như trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh biên giới và tạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp", ông Tiêu nhấn mạnh.

 Tuy nhiên ông Tiêu cũng cho rằng, thực tế hiện nay nuôi cá lồng, bè chưa chủ động được nguồn giống, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng nuôi theo VietGAP; sản phẩm cá chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có sự liên kết trong sản xuất.

Bên cạnh đó, quy mô nuôi cá lồng bè chưa được đầu tư tương xứng, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thâm canh năng suất cao chưa phát huy hết tiềm năng. Vấn đề bảo vệ môi trường nuôi theo mô hình quản lý cộng đồng và an toàn thực phẩm chưa được chú trọng. 

Đồng thời, cán bộ quản lý, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trình độ kỹ thuật và tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc và nông dân còn nhiều hạn chế; nguồn vốn của người dân đầu tư cho phát triển thủy sản còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

TS. Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Trưởng ban Hợp tác quốc tế và Thông tin Hội Nghề cá Việt Nam lại cho rằng: Thách thức lớn nhất trong việc nuôi cá lồng, bè là quản lý dịch bệnh. Nguyên nhân có thể do con giống bị nhiễm bệnh trước khi thả, hoặc biến đổi môi trường đặc biệt khi mưa… Để giảm rủi ro dịch bệnh cần lắp đặt lồng theo quy định các cụm lồng đặt cách nhau 500 m, định kỳ 2 - 3 tháng chuyển lồng đến địa điểm mới cách địa điểm cũ 100 – 200 m.

Trao đổi tại Diễn đàn, nhiều bà con nông dân quan tâm mong muốn được các chuyên gia chia sẻ cách phòng và trị bệnh cho cá nuôi lồng. Đồng thời, vấn đề con giống, kỹ thuật nuôi theo VietGAP, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư cũng được nhiều đại biểu tập trung thảo luận và đưa ra những giải pháp thiết thực. 

Cụ thể, các tỉnh chưa có qui hoạch cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch phát triển nuôi thuỷ sản đến năm 2020; Tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống, đặc biệt công tác kiểm dịch cá giống nhập tỉnh; Từng bước khai thác hợp lý và đưa vào nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo, cá tầm; Phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường sinh thái bền vững, phát triển nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, tạo sinh kế cho đồng bào sinh sống bằng nghề khai thác thuỷ sản nội địa; Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật; Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thuỷ sản…

Các tỉnh xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè sát với nhu cầu thực tiễn

Để phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng Trung du miền núi phía Bắc, theo ông Kim Văn Tiêu, trước tiên cần đề nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè sát với nhu cầu thực tiễn. 

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là những hộ bị thu hồi diện tích làm hồ thủy điện để họ yên tâm sản xuất; Tăng cường năng lực cho các trung tâm sản xuất giống, quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn, quan trắc môi trường; Tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những giống mới chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, nhanh lớn, kháng bệnh; Đầu tư kinh phí xây dựng mô hình nuôi cá lồng, bè cho các tỉnh miền núi hơn nữa.  

Thứ hai, Chi cục thủy sản các tỉnh cần quản lý tốt quy hoạch nuôi, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển nuôi cá lồng tại địa phương; Xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nuôi theo chuỗi giá trị, cần phải xây dựng đăng ký thương hiệu sản phẩm để đảm bảo lợi ích và hiệu quả của người nuôi.

Trung tâm khuyến nông các tỉnh đề xuất địa phương xây dựng dự án nuôi cá lồng, bè ở những vùng có tiềm năng chưa được đánh thức; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sao cho 1 người làm sẽ có 100 người biết và áp dụng; Tăng cường năng lực thông qua đào tạo tập huấn theo mục tiêu 4 dễ (dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo).

Cùng với việc giải quyết tốt các vấn đề trên, với sự tâm huyết, nỗ lực và kinh nghiệm thực tế của người nông dân, chắc chắn nuôi cá lồng trên sông, hồ vùng Trung du miền núi phía Bắc sẽ phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững.