10 tỷ USD và cơ hội của xuất khẩu thủy sản

Theo Hàm Luông/saigondautu.vn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 diễn ra vào ngày 2/4 vừa qua, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây).

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn ngành đạt 9 tỷ USD, tăng 6% so với 2017. Từ kết quả này, ngành thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỷ USD năm 2019, tức tăng 1 tỷ USD so với năm 2018.

Với tiềm năng sản xuất thủy sản trong nước và các cơ hội đang có, thì mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD hoặc cao hơn không phải là quá tầm với. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thuế chống bán phá giá cá tra và tôm vẫn liên tục được Mỹ xem xét hàng năm; vẫn phải chịu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo đạo luật Farmbill và chương trình truy suất nguồn gốc áp dụng cho 13 mặt hàng thủy sản, trong đó, có nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất vào Mỹ; hay như đối với EU, bên cạnh lợi thế về cắt giảm thuế quan nếu EVFTA được ký kết và có hiệu lực, thì các điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và môi trường sẽ gia tăng. Những rào cản ngày càng ngặt nghèo hơn. Do vậy, để đạt mục tiêu trên đòi hỏi ngành thủy sản phải có sự phấn đấu quyết liệt.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2 năm 2019 ước đạt 1,93 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,71 tỷ USD, giảm 10,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4%. Như vậy, để tiệm tiến mục tiêu 10 tỷ USD đòi hỏi mỗi tháng còn lại của năm 2019, xuất khẩu thủy sản phải đạt tối thiểu 800 triệu USD/tháng.

Vấn đề là làm thế nào để duy trì tốc độ này? Điều kiện thuận lợi cho ngành thủy sản là năm 2019, cùng với nhu cầu gia tăng của thị trường, việc nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) có hiệu lực được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Người tiêu dùng thế giới ngày càng đánh giá cao sản phẩm thủy sản Việt Nam bởi nguồn cung ổn định và mức độ an toàn thực phẩm tốt.

Đơn cử, thị trường EU trong năm qua đã có mức tăng trưởng đáng kể do doanh nghiệp đảm bảo các yêu cầu về dư lượng kháng sinh cũng như yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy thế, ngành thủy sản cũng đối mặt với không ít bất lợi là, các nước gia tăng nguồn cung, tăng rào cản thương mại.

Cụ thể như sản phẩm tôm, với sự tăng trưởng nguồn cung của Indonesia và Ấn Độ đã khiến tôm Việt phải cạnh tranh rất khốc liệt. Hay với ngành hàng hải sản, chúng ta đang bị Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng IUU khiến việc xuất khẩu bị sụt giảm đáng kể, hay như Trung Quốc cũng đã nuôi và xuất khẩu được cá tra, khiến mặt hàng này của Việt Nam không còn ở thế độc quyền.

Năm 2019, ngành thủy sản kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, cá tra đang từng bước khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường lớn, có thể duy trì kim ngạch xuất khẩu ấn tượng từ năm 2018. Mặt hàng tôm xuất khẩu cũng được hy vọng sẽ có sự khởi sắc trở lại do mức thuế chống bán phá giá tôm của Mỹ trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) thấp hơn POR11.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Theo đó, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước thành viên CPTPP sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đang được các thành viên tích cực thúc đẩy để sớm đi vào thực thi. Nhưng đó cũng là những điều kiện cơ bản của thị trường, trong khi sản xuất trong nước gặp không ít khó khăn. Hạn hán ở ĐBSCL đang bước vào giai đoạn khốc liệt khiến sản xuất thủy sản liên tục gặp rủi ro; thủ tục hành chính và các điều kiện khác rất nhiêu khê khiến ngành thủy sản đôi lúc phải chùn bước.

Tại buổi làm việc mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng với 5 bộ, ngành về sản xuất nông nghiệp, Tổ công tác đã yêu cầu các bộ, ngành giải trình về nhiều nội dung được doanh nghiệp kiến nghị, cụ thể là: vướng mắc trong quy định nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của quốc gia khác; quy định công bố cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; chồng chéo trong kiểm tra chất lượng và kiểm dịch nguyên liệu thức ăn; vướng mắc về các chỉ tiêu trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý; vướng mắc khi thiếu hướng dẫn quy định về ghi nhãn hàng hóa liên quan đến các dòng hàng đặc thù của thủy sản. 

Như vậy, mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2019, hay mục tiêu lớn hơn của cả ngành nông nghiệp năm nay là 43 tỷ USD sẽ khó đạt được nếu cứ tự làm khó mình bằng những quy định lỗi thời.