Bạc Liêu: Tăng cường đầu tư hạ tầng cho phát triển sản xuất nông nghiệp

Theo Kim Trung/ Báo Bạc Liêu

Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XV) về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, giai đoạn 2016-2020 tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hạ tầng yếu và thiếu

Đối với sản xuất nông nghiệp, hạ tầng thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất là quan trọng nhất. Với điều kiện sinh thái đặc thù vừa phục vụ nước ngọt cho sản xuất lúa, vừa phải cấp nước mặn cho nuôi tôm không phải là chuyện dễ làm nếu như hạ tầng thủy lợi không được đầu tư hoàn chỉnh.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó, trong 5 năm qua, Bạc Liêu đã thi công nạo vét hơn 2.290 công trình thủy lợi, với chiều dài hơn 4.570km; khối lượng 10,19 triệu mét khối, có tổng vốn đầu tư trên 623 tỷ đồng. Nhìn chung, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2 và kênh cấp 3 vượt cấp đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Riêng đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A thì còn hạn chế và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của con tôm, nhất là sự phát triển khá nhanh của các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Vì vậy, các công trình thủy nông nội đồng qua khảo sát chỉ mới đáp ứng khoảng 80 - 85% đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A và khoảng 75 - 80% đối với vùng Nam Quốc lộ 1A.

Một tuyến kênh thủy lợi cấp nước phục vụ nuôi tôm bị bồi lắng nhanh ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: LD
Một tuyến kênh thủy lợi cấp nước phục vụ nuôi tôm bị bồi lắng nhanh ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: LD

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất trong thời gian qua còn yếu và thiếu. Tình trạng tranh chấp mặn, ngọt ở vùng chuyển đổi sản xuất vẫn còn xảy ra, tình trạng con tôm “khát mặn”, cây lúa “chờ ngọt” khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn vẫn cần giải pháp căn cơ hơn. Cũng như, ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A sự phát triển nhanh của các mô hình nuôi tôm đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, do hệ thống kênh thủy lợi nhiều nơi bị bồi lắng nhanh, hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư khép kín...

Sẽ có nghị quyết về phát triển hạ tầng

Cùng với các dự án đầu tư của tỉnh, các địa phương cũng huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất. Điển hình như huyện Hồng Dân, từ năm 2016 đến nay đã kêu gọi đầu tư các dự án với tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng cho công tác đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh.

Đồng thời, thực hiện nạo vét thường xuyên các tuyến kênh cấp 3 vượt cấp trên địa bàn huyện, các công trình thủy lợi - thủy nông nội đồng, đầu tư xây dựng hệ thống cống phân ranh mặn ngọt đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ gần 9.000ha sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái với năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Xây dựng tuyến đê bao vành đai sông Cái Lớn khu vực vùng ngọt ổn định.

Xây dựng hạ tầng tôm lúa ở xã Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi và Vĩnh Lộc A. Đầu tư xây dựng 19 trạm bơm điện phục vụ bơm tát tập trung trong quá trình canh tác lúa ở vùng ngọt ổn đinh. Ngoài ra, huyện Hồng Dân còn thực hiện tốt công tác quản lý khai thác bảo vệ các công trình thủy lợi, vận hành kịp thời và tuân thủ các quy trình, quy phạm công trình; hệ thống công trình đảm bảo tưới tiêu, phòng chống hạn, xâm nhập mặn có hiệu quả…

Ở huyện Hòa Bình, để phục vụ tốt nuôi trồng thủy sản, địa phương này đã triển khai nhiều dự án đầu tư về hạ tầng cho phát triển con tôm với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng như: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh ở các xã: Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hậu A… Đến nay, hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng trên địa bàn huyện đáp ứng khoảng 90 - 95% đối với vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A và khoảng 80% đối với vùng Nam Quốc lộ 1A của huyện…

Một tin vui cho bà con nông dân là UBND tỉnh đang trình Tỉnh ủy ban hành một nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Trong đó có phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp với mục tiêu cơ bản là hoàn thành hệ thống kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2 đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định và tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Hệ thống đê biển, đê sông đảm bảo mức tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%. Đồng thời, đáp ứng việc cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và giải quyết cơ bản các khó khăn do ảnh hưởng bởi triều cường, tăng khả năng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn…

Với nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng này, hứa hẹn sẽ tạo nên những động lực mới cho sản xuất nông nghiệp phát triển, nhất là thế mạnh về nuôi trồng thủy sản.