Bảo đảm an toàn hệ thống điện quốc gia

Theo Nguyễn Hùng, Quốc Bình/Báo Thời Nay

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) kéo dài, phần lớn các doanh nghiệp (DN) đều ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), dẫn tới mức tiêu thụ điện năng thương phẩm khu vực miền nam liên tục giảm sâu. Kéo theo đó là tình trạng thừa nguồn điện cục bộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm vận hành an toàn hệ thống lưới điện quốc gia (HTLĐQG) và nguồn cung cấp điện.

Khắc phục sự cố, bảo đảm nguồn điện vận hành an toàn và ổn định. Ảnh: Hải Nam
Khắc phục sự cố, bảo đảm nguồn điện vận hành an toàn và ổn định. Ảnh: Hải Nam

Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động SXKD của các DN ngành điện, nhất là các DN phía nam. Đặc biệt, từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đến nay, phần lớn các DN trong khu vực này rơi vào tình trạng SXKD đình trệ, gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất điện.

Nhu cầu phụ tải hệ thống điện thay đổi liên tục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lập phương thức vận hành hệ thống điện. Cụ thể, phụ tải miền nam trong các tháng 8 và 9/2021 giảm thấp, dẫn đến khó khăn trong việc lập kế hoạch huy động nguồn và bảo đảm duy trì chế độ vận hành an toàn hệ thống điện miền nam và cả HTLĐQG.

Thống kê từ EVN cho thấy, mức tiêu thụ điện toàn quốc trong hai tuần đầu tháng 9 vừa qua giảm thấp hơn 24% so trước khi bắt đầu thực hiện GCXH diện rộng từ giữa tháng 7 và thấp hơn 15% so cùng kỳ năm 2020. Đồng thời mức tiêu thụ điện toàn miền nam trong hai tuần đầu tháng 9 vừa qua thấp hơn tới 29% so trước khi bắt đầu thực hiện GCXH từ giữa tháng 7 và thấp hơn 23% so cùng kỳ năm 2020.

Về phía các hộ tiêu thụ điện, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các tỉnh, thành phố phía nam thực hiện GCXH nên phần lớn các DN đều ngừng hoạt động SXKD, dẫn tới mức tiêu thụ điện năng thương phẩm khu vực miền nam liên tục giảm sâu. Kéo theo đó là tình trạng thừa nguồn điện cục bộ, ảnh hưởng đến công tác an toàn HTLĐQG và cung cấp điện.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại 19 tỉnh, thành phố phía nam, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ tháng 6/2021 tới nay có đến 70% số DN trong ngành tạm ngưng hoạt động vì không đáp ứng được phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Số DN còn lại dù có duy trì hoạt động SXKD thì công suất chỉ còn khoảng 30% bởi phải áp dụng quy định GCXH, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch…

Tương tự, ngành dệt may tại các tỉnh, thành phố phía nam cũng có đến 90% số DN tạm ngưng hoạt động, trong đó chủ yếu tập trung tại các địa bàn trọng điểm kinh tế như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... dẫn đến nhu cầu và sản lượng sử dụng điện giảm mạnh.

Lao đao vì khủng hoảng thừa

Việc chỉ phát được sản lượng thấp khiến các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy điện khí lao đao vì vừa lo không bảo đảm các chỉ tiêu SXKD, vừa lo gây lãng phí nguồn khí.

Thực tế, mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN tăng cường huy động Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh và cộng đồng DN.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 luôn chủ động phương án an toàn phù hợp tình hình thực tế để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất điện. Nhà máy luôn khả dụng, sẵn sàng đáp ứng theo huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Tám tháng đầu năm 2021, khả năng cấp khí là 1,01 tỷ m3, tương đương sản lượng điện là 4,95 tỷ kWh. Nhưng hiện Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 chỉ được huy động 3,49 tỷ kWh, tương đương 0,71 tỷ m3 khí tiêu thụ.

Với tình hình huy động như hiện nay, Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 có sản lượng điện dự kiến chỉ đạt 75% so kế hoạch năm. Kết quả SXKD đó khiến nhà máy chỉ dự kiến nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tại địa phương khoảng 152 tỷ đồng, tương đương 32% so trung bình hằng năm. Theo UBND tỉnh Cà Mau, điều này gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tăng trưởng của địa phương trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.

Những năm gần đây, Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau (PV Power Cà Mau) đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 475 tỷ đồng/năm, nên viễn cảnh chỉ nộp được 152 tỷ đồng trong năm 2021 là đáng lo ngại, bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tăng trưởng của tỉnh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tương tự, tại Đồng Nai, việc Nhà máy Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 sản xuất điện thấp cũng khiến doanh thu, nộp NSNN theo đó giảm đi. Cụ thể, tại Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 1, tám tháng đầu năm chỉ được huy động sản lượng điện là 430,02 triệu kWh, tương ứng lượng khí tiêu thụ 86,7 triệu m3. Điều này có thể khiến Công ty Điện lực dầu khí Nhơn Trạch (PV Power Nhơn Trạch - đơn vị đang quản lý và vận hành Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 1) không có lợi nhuận và không thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN.

Tình trạng huy động phát điện ở Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 cũng không thuận lợi, khi trong tám tháng đầu năm 2021 chỉ được huy động 2,294 tỷ kWh, tương ứng lượng khí tiêu thụ 442 triệu m3. Kết quả này khiến Công ty Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (PV Power Nhơn Trạch 2) có thể chỉ nộp NSNN khoảng 225,74 tỷ đồng trong năm 2021, bằng 67% trung bình hằng năm.

DN điện khí đang đối mặt với “khó khăn kép”. Có thể thấy, tại Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2, lượng khí tiêu thụ đang rất thấp. Trong khi đó, nghĩa vụ bao tiêu khí theo Hợp đồng Mua bán khí giữa phía Việt Nam và Petronas - Malaysia là 247,7 triệu m3, tương ứng việc phát sinh tiền trả trước cho chủ mỏ và Petronas theo hợp đồng khoảng 59,4 triệu USD.

Huy động minh bạch, vận hành an toàn

Theo một chuyên gia trong ngành, khủng hoảng thiếu điện thì phải nghe phàn nàn, còn khủng hoảng thừa điện lại mệt mỏi hơn bởi áp lực tài chính đè nặng lên tất cả các bên. Câu chuyện huy động các nguồn điện hiện có để không lãng phí tài nguyên và nguồn lực, hơn lúc nào hết, cần sự điều phối tổng thể ở cấp quốc gia để đối phó tình huống tiêu thụ điện giảm mạnh, khiến cung vượt xa cầu và đặc biệt tập trung tại một số vùng, miền hiện nay. Nếu không có giải pháp kịp thời, mục tiêu “điện đi trước một bước” sẽ không được bảo đảm và nền kinh tế gặp khó vì tình trạng “ăn đong” điện.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Cục trưởng Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang cho biết, thời gian qua, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng tái tạo tập trung tại một số khu vực miền trung, miền nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm, tình huống cụ thể. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng rất thấp, kéo theo tình trạng dư thừa công suất phát của hệ thống. 

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, để bảo đảm vận hành an toàn HTLĐQG khi tiêu thụ điện xuống thấp do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều loại hình nguồn điện bắt buộc phải giảm phát để bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện. Việc huy động nguồn điện được thực hiện bởi A0. Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, tuân thủ các thông tư của Bộ Công thương về vận hành HTLĐQG và vận hành thị trường điện. 

Bên cạnh đó, ông Ngô Sơn Hải cho rằng, chủ đầu tư các đơn vị phát điện cần phối hợp chặt chẽ A0 và các cấp điều độ trong việc chấp hành nghiêm các mệnh lệnh điều độ để bảo đảm vận hành an toàn HTLĐQG, nhất là khi mức độ tiêu thụ điện giảm thấp do tác động của dịch COVID-19. Mặc dù A0 đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình thấp nhất nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất, do đó bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn điện để bảo đảm giữ tần số hệ thống điện trong giới hạn kỹ thuật cho phép, tránh sụp đổ hệ thống điện, gây tổn hại tới toàn bộ hoạt động SXKD và đời sống nhân dân trên cả nước.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước hết với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công thương hết sức chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng DN, người dân. Việc thực hiện tiết giảm công suất phát là tình huống bất khả kháng do các diễn biến tiêu thụ điện bất thường trong thời gian vừa qua và đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn, an ninh HTLĐQG nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác. Trong bối cảnh DN khó khăn, nhiều hoạt động SXKD bị đình trệ, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành sản xuất điện song Bộ Công thương sẽ cố gắng bảo đảm vận hành an toàn HTLĐQG, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước.