Bị nghi nhập hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, Sunhouse nói gì?

Theo Hải Đăng/nhadautu.vn

Tập đoàn SUNHOUSE khẳng định, sản phẩm Nồi cơm điện SUNHOUSE SHD8602 được sản xuất tại Việt Nam và được kiểm soát theo quy chuẩn kỹ thuật số 4:2009/BKHCN.

 Hình ảnh sản phẩm được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart ghi xuất xứ Trung Quốc.
Hình ảnh sản phẩm được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart ghi xuất xứ Trung Quốc.

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện hình ảnh sản phẩm nồi cơm điện của công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart dán logo hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng ở dưới lại ghi xuất xứ Trung Quốc. 

Hình ảnh đã nhanh chóng lan truyền và gây xôn xao dư luận, bởi trước đó, nhiều người vẫn nghĩ rằng, sản phẩm này được sản xuất tại nhà máy SunHouse Việt Nam.

Lý giải nghi vấn trên, Tập đoàn SunHouse cho biết, đây là một sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng SUNHOUSE – Sở hữu 100% vốn bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE, theo giấy phép đăng ký kinh doanh MST 0107252232, đăng ký cấp phép lần 2 ngày 24 tháng 4 năm 2018.

Bên cạnh đó, sản phẩm Nồi cơm điện SUNHOUSE SHD8602 được Quatest 1 - Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 1 trực thuộc Bộ khoa học công nghệ đánh giá chứng nhận theo Phương thức 5, quy định tại Phụ lục 2 thông tư 28/2012/TT-BKHCN.

Tập đoàn SUNHOUSE khẳng định, sản phẩm Nồi cơm điện SUNHOUSE SHD8602 được sản xuất tại Việt Nam và được kiểm soát theo quy chuẩn kỹ thuật số 4:2009/BKHCN.

"Về việc siêu thị ghi nhầm xuất xứ trên bảng giá, SUNHOUSE đã có công văn chính thức gửi sang đối tác kinh doanh yêu cầu đính chính thông tin về xuất xứ sản phẩm", Tập đoàn SUNHOUSE cho biết.

noi com dien sunhouse (2)

 

Tập đoàn Sunhouse cho biết, thương hiệu Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse tiền thân là Công ty TNHH Phú Thắng, được thành lập ngày 22/5/2000.

Năm 2005, Công ty TNHH Phú Thắng liên doanh với công ty TNHH SUNHOUSE Hàn Quốc, thành lập từ năm 1993. Từ đó, thành lập công ty TNHH Sun House (Việt Nam) và xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất đồ gia dụng, ứng dụng công nghệ Anodized lạnh tiên tiến tại khu vực Asean. 

Được sự đồng thuận từ Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc, công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đăng ký và bảo hộ thương hiệu Sunhouse tại Việt Nam. Như vậy, bản chất Sunhouse là thương hiệu Việt Nam có nguồn gốc và liên doanh với Hàn Quốc.

Trước câu hỏi của dư luận: "SUNHOUSE là thương hiệu Việt Nam tại sao lại có nhiều sản phẩm xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc…?". Về vấn đề này, Tập đoàn Sunhouse cho biết, một thương hiệu có thể lựa chọn nhiều hình thức kinh doanh khác nhau: tự sản xuất, OEM, ODM… tại nhiều nước khác nhau và cụ thể: Nhà máy sản xuất SUNHOUSE tại Việt Nam sản xuất các mặt hàng gia dụng nồi inox, chảo, nồi áp suất, nồi cơm điện… sẽ ghi xuất xứ Việt Nam; các mặt hàng SUNHOUSE đặt OEM tại các nước khác như Trung Quốc sẽ ghi xuất xứ Trung Quốc; các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ ghi xuất xứ từ Hàn Quốc, từ Thái Lan sẽ ghi xuất xứ từ Thái Lan…

"Hiện nay, SUNHOUSE có 2 chuyên gia Hàn Quốc tham gia vào xây dựng quy trình phát triển sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và kiểm soát chất lượng… nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đang sản xuất tại Việt Nam cũng như sản phẩm từ các nhà máy đối tác (OEM) đạt tiêu chuẩn chất lượng do SUNHOUSE ban hành", đại diện SUNHOUSE cho biết.

Sản phẩm của Sunhouse có dán nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” có phải là sự nhầm lẫn?

Phía Tập đoàn Sunhouse cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã vinh dự nhận được Giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao cho nhóm hàng Kim khí Gia dụng.

Khi nhận được giải thưởng này, nhà máy sản xuất của Sunhouse tại Việt Nam nghĩ rằng có thể sử dụng logo Hàng Việt Nam chất lượng cao trên tất cả các sản phẩm do Sunhouse sản xuất tại Việt Nam gồm: nồi, chảo, nồi cơm điện.

"Hiện nay chúng tôi đã gửi công văn tới Hiệp hội để kiểm tra lại thông tin và chờ hướng dẫn của hiệp hội. Nếu sản phẩm nồi cơm điện không thuộc nhóm kim khí gia dụng chúng tôi sẽ tháo gỡ logo Hàng Việt Nam chất lượng cao và hoàn lại tiền nếu khách hàng nào mua phải sản phẩm bị nhầm lẫn đó mà thấy bất tiện", Tập đoàn Sunhouse cho hay.

Cần thay đổi quan niệm về hàng Trung Quốc 

Trong cuộc trao đổi mới đây với báo chí, trước câu hỏi: "Hàng Sunhouse nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, có làm giảm đi giá trị thương hiệu của mình?",  ông chủ của Tập đoàn Sunhouse- Nguyễn Xuân Phú -  Shark Phú thẳng thắn cho rằng: "Tôi muốn chúng ta thay đổi quan niệm về hàng Trung Quốc đi. Quốc gia chúng ta đang phải trả cái giá vô cùng đắt vì bản chất các thương hiệu Phillips, Electrolux đều là hàng Trung Quốc”.

Theo Shark Phú, truyền thông chúng ta cứ tập trung vào thương hiệu Việt mà tại sao không chú ý tới doanh nghiệp đa quốc gia đang lợi dụng quan niệm của chúng ta về hàng Trung Quốc. “Cứ lật đít tất cả các đồ dân dụng thương hiệu nổi tiếng lên xem nó xuất xứ từ đâu? Trong khi chúng ta phải trả giá gấp 3 lần, đó là điều đau đớn. Tôi rất muốn làm rõ điều đó. Chính tư duy của người dân dẫn tới doanh nghiệp họ phải làm sai. Các doanh nghiệp phải "mượn hơi" thương hiệu Đức, họ phải trả thêm ít nhất 15% - 20% cho nơi xuất xứ đó. Trong khi họ nhập bếp từ Made in Đức, Tây Ban Nha 100% từ Trung Quốc vòng qua Đức rồi về Việt Nam. Điều đó thật đau đớn!”, Shark Phú nói.

Shark Phú cũng khẳng định: “Tôi là người trong nghề nên rất đau đớn. Một sản phẩm gắn mác ABCD rồi bán đắt gấp 3 lần. Có những sản phẩm Made in Đức từ Trung Quốc về Việt Nam bóc tem dán luôn. Kể cả những sản phẩm Made in ‘xịn’ của Đức thì linh kiện cũng từ Trung Quốc hết. Mác made in Germany không có ở thị trường này. Nếu có thì cũng là về lắp ráp ở Đức. Linh kiện của Đức thì có nhưng để làm ra thành phẩm thì vẫn phải có thêm linh kiện của Trung Quốc nhập về. Bởi Trung Quốc là công xưởng của thế giới”.