Các chuyên gia hiến kế giảm áp lực tác động dây chuyền tăng giá


Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng do áp lực dây chuyền từ việc tăng giá mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, chất đốt. Dự báo, CPI tháng 4 sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực từ việc tăng giá điện, tăng giá xăng dầu đầu tháng 4. Theo đó, CPI tháng này có thể tăng thêm 0,33%.

CPI tháng 4 này có thể tăng thêm 0,33%. Nguồn: Internet
CPI tháng 4 này có thể tăng thêm 0,33%. Nguồn: Internet

Trước tình hình đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần khuyến khích sản xuất để nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào nhằm ổn định thị trường, tránh việc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, sau khi điện và xăng dầu tăng giá, việc hàng hoá tăng giá không tránh khỏi. Hai mặt hàng này là đầu vào thiết yếu của nhiều ngành nên gây ra tác động dây chuyền. “Mớ rau, quả trứng tăng giá khiến tiểu thương tăng giá bán. Lúc này, người lao động tăng chi tiêu và đòi tăng lương, khiến doanh nghiệp phải tăng giá hàng hoá bán ra để bù đắp. Bình thường, sau 3 tháng, quá trình cân đối vào-ra (đầu vào của sản phẩm này là đầu ra của sản phẩm khác) mới tác động đầy đủ”, ông Doanh đánh giá.

Ông Doanh chia sẻ thêm, đây là đợt tăng ban đầu có tính chất tâm lý, chưa phản ứng đầy đủ quy luật kinh tế. Cơ quan chuyên trách điều hành về giá cả trên thị trường cần chú ý, tránh việc lợi dụng việc tăng giá điện, xăng dầu để tăng theo kiểu “tát nước theo mưa”. Đồng thời ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, tăng giá. Cơ quan chức năng cần tính toán và công bố việc giá xăng tăng khiến cước phí vận tải tăng bao nhiêu và tác động lên giá hàng hoá trên thị trường. Trường hợp, người bán tăng quá cao, cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý.

“Biện pháp tốt nhất là khuyến khích sản xuất, mở rộng luồng hàng để cân đối thị trường. Cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho nhà cung cấp để đơn vị cung ứng hàng hoá từ các tỉnh, thành phố xung quanh có nguồn hàng rẻ, ổn định về nơi hàng hoá khan hiếm. Nguồn hàng về dồi dào, giá rẻ hơn, thị trường sẽ ổn định”, ông Doanh nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tâm lý người dân và doanh nghiệp đều không muốn giá điện, giá xăng dầu cũng như giá các mặt hàng khác tăng, nhưng cân đối nền kinh tế một cách đa chiều, cần thiết phải tăng.

Lý giải điều này, ông Lực cho hay, trước đây, giá đầu vào của các doanh nghiệp vẫn có yếu tố bảo trợ của Nhà nước, song hiện nay, giá đầu vào không còn được bảo trợ. Chính phủ cũng đang yêu cầu tiến dần theo hướng thị trường và đó là điểm tích cực.

Với mức tăng mới này, chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp phải tiết kiệm điện, phải sử dụng điện vào thời điểm giá thấp như đêm và tính toán, tiền điện cũng như cước vận tải sao cho sản phẩm đầu ra tăng ở mức hợp lý, đủ sức cạnh tranh.