Cần nhiều giải pháp hỗ trợ cho nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Sau khi nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu từ Chỉ thị 16 chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản bắt đầu có những khởi sắc. Tuy nhiên, với việc thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 19/7/2021 của 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đẩy ngành tôm vào cảnh vô cùng khó khăn. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là cần những giải pháp mang tính bền vững theo tinh thần chủ động “sống chung” và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tôm Việt (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Kim Trung
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tôm Việt (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Kim Trung

Chuỗi sản xuất bị gãy

Nhìn lại hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành tôm trong hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương mới thấy hết những tổn thất nặng nề do dịch bệnh gây ra.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng, người nông dân gặp khó về đầu vào lẫn đầu ra, đặc biệt có thời điểm giá tôm giảm hơn 50% vẫn không có thương lái thu mua. Nhiều nông dân phải chấp nhận thu hoạch non và không dám thả nuôi tôm mới, bởi không biết bao giờ địa phương mình lại phải thực hiện giãn cách xã hội.

Thực tế là ở vụ nuôi này, nhiều nông dân rất trúng tôm nhưng lại bị lỗ nặng vì cảnh bán tháo bán chạy. Trong khi đó, vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm như: con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường… lại liên tục tăng giá, có nhiều mặt hàng tăng thêm từ 40 - 50% do phát sinh chi phí trung chuyển qua nhiều khâu và phải thực hiện test nhanh COVID-19.

Về hoạt động chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu bị đẩy vào cảnh lao đao, muốn giúp nông dân thu mua tôm cũng không được, do không có nhân công thu hoạch và gặp khó trong vận chuyển. Còn khi có tôm nguyên liệu vào nhà máy cũng không thể chế biến hết sản lượng, do chỉ tập trung được 300 công nhân. Vì vậy, tôm thu vào phải đem cấp đông, xong lại rã ra và hàng chế biến ấy mất đi từ 10 - 20% giá trị do trở thành hàng tái chế.

Song, cái lo nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu chính là bị phạt vì vi phạm hợp đồng với các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài đã được ký kết ngay từ đầu năm, nhưng đến nay lại bị đẩy vào cảnh không có nguyên liệu chế biến. Nếu tâm lý nông dân sợ và không dám thả nuôi tôm vụ mới thì khó khăn này sẽ càng thêm chồng chất, nhất là vào giai đoạn cuối năm cần nhiều nguyên liệu phục vụ cho chế biến để thanh toán các hợp đồng.

Hiện nay, trừ địa bàn TP. Bạc Liêu còn thực hiện Chỉ thị 16, các địa phương khác đã chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, nhưng qua thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì nông dân hiện nay đã chậm thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Và mặc dù các công ty, doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong tỉnh vẫn thu mua thủy sản của người dân, nhưng nhìn chung tiêu thụ tôm thương phẩm vẫn còn gặp khó khăn. Vì khi muốn bán tôm phải báo cho cơ sở, thương lái thu mua trước 2 ngày để họ làm thủ tục xin phép chính quyền địa phương (đối với các phường 2, 5, 8, thuộc TP. Bạc Liêu đang thực hiện Chỉ thị 16).

Do vậy, mặc dù giá thu mua tôm thẻ đã tăng từ 5 - 10%, nhưng vẫn còn giảm khoảng 5 - 10% so với đầu tháng 8/2021 và giảm 15 - 20% so với tháng 5/2021. Cùng với đó, các phường trên địa bàn TP. Bạc Liêu đang thực hiện Chỉ thị 16 nên khó thuê lao động đi thu hoạch tôm, cải tạo ao nuôi và người dân cũng không được ra đường vào ban đêm (19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau). Điều này đã gây khó cho việc thu hoạch tôm, hoặc khi con tôm bị bệnh hay gặp sự cố vào ban đêm cần phải thu hoạch ngay.

Qua đó, hình thành nên tân lý lo lắng cho người nuôi tôm, vì sản xuất ra hàng hóa nhưng không tìm được đầu ra do không chủ động được về thu hoạch và cả thị trường. Tất cả những bất cập và khó khăn này sẽ tác động trực tiếp đến diện tích và sản lượng tôm nuôi của năm nay. Trong khi sản lượng tôm là một trong những giải pháp quan trọng để giúp Bạc Liêu hoàn thành mục tiêu giữ vững tăng trưởng kinh tế.

Qua khảo sát, Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong các tháng cuối năm là không thể tránh khỏi.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, Bạc Liêu kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại miễn giảm lãi suất vốn vay và các gói tín dụng ưu đãi… cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản nói riêng, nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm nông nghiệp sẽ thu mua, đồng thời có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và cho nông dân vay vốn để tái sản xuất.

Cùng với đó, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý giá giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, xử lý nghiêm các đối tượng cơ hội, lợi dụng tình hình dịch bệnh để ghim hàng, tăng giá giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và ép giá thu mua nông sản của nông dân. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến nông sản như: hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân (kể cả đối tượng tham gia các hoạt động vận chuyển phục vụ sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản khi vào tỉnh) và xem xét giảm giá điện sản xuất cho nông dân.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đẩy mạnh liên kết vùng thông qua cung cấp đầu mối sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản. Rà soát, lập danh sách các công ty, doanh nghiệp về nhu cầu nông sản thu mua, sản lượng thu mua... để phối hợp giữa các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện vận chuyển lưu thông khi đáp ứng đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định chung. Đặc biệt, về lâu dài cần có chính sách đầu tư phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt và nâng cao giá trị nông sản, nhất là giúp bảo quản được lâu trong những thời điểm khó tiêu thụ mà không làm giảm chất lượng hay hư hỏng…