Cấp thiết truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp

Theo Thái Hà/Báo Phú Yên

Phú Yên là một trong các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc từ năm 2019 và cũng là tỉnh đầu tiên khu vực miền Trung đẩy mạnh triển khai hoạt động này trong năm 2021.

Người mua hàng dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc và lựa chọn sản phẩm. Ảnh: Thái Hà
Người mua hàng dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc và lựa chọn sản phẩm. Ảnh: Thái Hà

Áp dụng truy xuất nguồn gốc và quản lý nông sản địa phương bằng ứng dụng công nghệ là việc cần thiết giúp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và từng bước hướng đến xuất khẩu.

Hướng đi tất yếu

Hoạt động truy xuất nguồn gốc không chỉ là hướng đi tất yếu giúp đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về tính minh bạch của các loại nông sản, mà còn là chìa khóa giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay.

Ý thức được lợi ích của truy xuất nguồn gốc, ông Đặng Xuân Thanh (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa), chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Thanh Tuyền đã chủ động đăng ký mã số mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm bò một nắng của cơ sở. Theo ông Thanh, việc sử dụng mã số mã vạch giúp cho sản phẩm bò một nắng Thanh Tuyền được định danh trên kệ hàng của các siêu thị, đồng thời giúp kết nối thông tin giữa cơ sở sản xuất với người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm. Qua việc quét mã, các thông tin về sản phẩm sẽ được cung cấp đến người tiêu dùng.

Theo ông Trần Phú Hà - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu Chuẩn - Đo lường - Chất lượng, hiện nay các cơ sở sản xuất thường áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng QR Code hoặc mã vạch. Trong đó, tem chống hàng giả QR Code ngày càng được sử dụng nhiều bởi sự tiện dụng và nhanh chóng. Khi người tiêu dùng mua các sản phẩm nông sản tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm bán hàng nông sản sạch… chỉ cần dùng ứng dụng quét mã ngay trên điện thoại, máy tính bảng là có thể truy xuất nguồn gốc nông sản trực tiếp.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thông tỉnh Phú Yên cho biết trong Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, vấn đề hoàn thiện nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp nói chung và nhóm sản phẩm đặc sản (sản phẩm OCOP) nói riêng được đặc biệt quan tâm.

Thực hiện đề án này, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Phú Yên đã chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên chọn lựa các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu. Hiện Phú Yên đã hỗ trợ triển khai truy xuất nguồn gốc cho 9 loại sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Tuy nhiên, việc truy xuất này chỉ mới thực hiện ở bước đầu, cung cấp những thông tin cơ bản chứ chưa có nhiều dữ liệu.

Thúc đẩy truy xuất nguồn gốc nông sản

Sau khi Chính phủ ban hành đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), Phú Yên đã cụ thể hóa, ban hành kế hoạch thực hiện đề án. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng, triển khai và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thiết lập, xây dựng, vận hành kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Đề án 100 của Chính phủ, tháng 4/2021, Sở KH-CN Phú Yên phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia tổ chức hội nghị tập huấn về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, phân tích hiện trạng áp dụng truy xuất nguồn gốc tại Phú Yên, đồng thời đưa ra các định hướng quản lý về truy xuất nguồn gốc trong những giai đoạn tiếp theo để qua đó giúp doanh nghiệp có định hướng phù hợp áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa đơn vị mình sản xuất kinh doanh.

Tiếp đó, vào tháng 7/2021, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đã đăng ký và được Hội đồng KH-CN Phú Yên thông qua nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh thực hiện từ năm 2021: “Nghiên cứu xây dựng, ứng dụng hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Phú Yên”.

Nhiệm vụ nhằm xây dựng hệ thống và quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Phú Yên trong năm 2021 kết nối được với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia và sẵn sàng nâng cấp, phát triển theo nhu cầu đến năm 2025; xây dựng mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm, hàng hóa đặc thù của tỉnh Phú Yên; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ nhằm kiểm soát thông tin sản phẩm, hàng hóa trong quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo ông Trần Phú Hà, Sở KH-CN đang quản lý các nhiệm vụ KH-CN liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; minh bạch thông tin, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Phú Yên; khẳng định được thương hiệu hàng hóa trong tỉnh, đồng thời góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Riêng Chi cục Tiêu Chuẩn - Đo lường - Chất lượng sẽ phối hợp các ban ngành chức năng đẩy mạnh phát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp và người tiêu dùng để qua đó tăng cường hiệu quả và nhân rộng mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản. 

Ông Trần Phú Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu Chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh Phú Yên: Việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN liên quan đến truy xuất nguồn gốc được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; minh bạch thông tin, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Phú Yên; khẳng định được thương hiệu hàng hóa trong tỉnh, đồng thời góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.