Chế biến tiên phong, khai thác gặp khó

Theo Tích Chu/ Báo Sóc Trăng

Đó là nhận xét của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các đại biểu về mức độ ứng dụng cơ giới hóa trong lĩnh vực chế biến và khai thác thủy sản tại hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vừa qua.

Chế biến thủy sản vẫn còn một số công đoạn phải làm thủ công do thiếu thiết bị, máy móc phù hợp. Ảnh: Tích Chu
Chế biến thủy sản vẫn còn một số công đoạn phải làm thủ công do thiếu thiết bị, máy móc phù hợp. Ảnh: Tích Chu

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quá trình nâng cấp điều kiện sản xuất và đầu tư mới tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản diễn ra mạnh mẽ trong 20 năm qua, góp phần đưa Việt Nam nằm trong top đầu các nước chế biến xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.

Cũng theo ông Hòe, tính đến tháng 7/2022, cả nước có 838 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó, có 659 nhà máy có mã code xuất khẩu EU, chiếm gần 79% số nhà máy quy mô công nghiệp và tăng 35 lần so với năm 1999.

Tại Sóc Trăng, nơi có nhiều nhà máy chế biến tôm thuộc top đầu cả nước, việc cơ giới hóa, tự động đã được các doanh nghiệp quan tâm từ rất sớm, nên các nhà máy hay phân xưởng ra đời sau đều được cơ giới hóa, tự động hóa cao hơn trước. Vì vậy, đa phần các nhà máy ở Sóc Trăng đều tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá bán và tính cạnh tranh cao.

Theo các doanh nghiệp, cạnh tranh trên lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản ngày một gay gắt, đòi hỏi sản phẩm không chỉ đẹp, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn có giá cạnh tranh. Trong khi đó, giá thành tôm nguyên liệu trong nước luôn cao hơn các nước từ 20 - 30%, nên chỉ có con đường cơ giới hóa, tự động hóa mới có thể nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại từ các nước khác.

Tuy việc cơ giới trong lĩnh vực chế biến có bước phát triển khá, nhưng ông Hòe cũng thừa nhận vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, như: công nghệ và thiết bị chủ yếu là thiết bị second hand, patents công nghệ, vật liệu phụ tùng nhập khẩu… Do đó, ông Hòe kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức cho các đối tượng về lợi ích thông qua việc có hệ thống cung cấp những thông tin đầy đủ hơn, tin cậy hơn về tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị…

Khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện áp dụng cơ giới hóa thông qua việc có chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước cũng như khuyến khích tìm kiếm hỗ trợ trong chuỗi sản xuất mặt hàng. Ông Hòe đề xuất: “Nhà nước có chính sách khuyến khích sản xuất các máy móc, phụ tùng chất lượng giá thành hợp lý. Cần có hệ tiêu chuẩn thống nhất liên quan đến thiết bị cơ giới nhằm tối ưu giá thành cũng như khả năng tiếp cận”.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thi - Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu hải sản phía Nam, Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các công nghệ mới, tiên tiến áp dụng trong khai thác, bảo quản thủy sản trên tàu cá đã và đang được ngư dân một số địa phương áp dụng khá hiệu quả. Tuy nhiên, do chủ yếu là tàu nhỏ và vừa, nên mức độ cơ giới hóa chưa đạt như kỳ vọng.

Còn theo ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề (Sóc Trăng), trong số 620 tàu cá của huyện thì chỉ có 353 chiếc đánh bắt xa bờ được lắp đặt một số hệ thống cơ giới hóa. Một trong những khó khăn trong cơ giới hóa nghề cá được ông Dũng nêu ra là do hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá chưa hoàn thiện và đặc biệt là ngư dân không có đủ vốn để chuyển đổi phương tiện, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ hành nghề.

Phân tích thêm về những khó khăn, tồn tại trong ứng dụng cơ giới hóa vào khai thác, bảo quản thủy sản, theo TS. Thi, trước hết là do chi phí đầu tư cho cơ giới hóa khá cao, thứ hai là do trình độ lao động (ngư dân) trên tàu cá còn thấp, chủ yếu làm nghề theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”, nên không đủ khả năng làm chủ thiết bị công nghệ hiện đại. Một nguyên nhân khác góp phần là tiến độ ứng dụng các công nghệ mới chậm là do điều kiện kinh tế và nhận thức của chủ tàu, ngư dân chưa cao.

Để đẩy nhanh cơ giới hóa trong khai thác, bảo quản trên tàu cá trong giai đoạn tới như chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rất cần thực hiện các giải pháp đồng bộ về khoa học công nghệ và đào tạo, thông tin truyền thông; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá; hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào khai thác, bảo quản hải sản trên tàu cá là quan trọng nhất.