Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa -

“Chìa khóa” cho sự thành công của doanh nghiệp

Theo Mai Hương/ Báo Long An

Thời gian qua, Long An có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến là một trong những yếu tố then chốt giúp DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Airspeed Manufacturing Việt Nam. Ảnh: Mai Hương
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Airspeed Manufacturing Việt Nam. Ảnh: Mai Hương

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Long An, thực hiện chương trình của Bộ KH&CN, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ các DN, trọng tâm là các DN vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp hữu ích, phát triển nhãn hiệu,...

Qua đó, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế của tỉnh. Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.

Để triển khai kế hoạch này, Sở KH&CN Long An tập trung hướng vào các DN, lấy DN làm trung tâm, thúc đẩy các công tác phối hợp các đơn vị tư vấn được chỉ định bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường, trường đại học và viện nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng các hàm lượng công nghệ từ các nghiên cứu khoa học.

Trong năm 2021, Sở KH&CN tập trung hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có đăng ký tham gia thực hiện các nội dung nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, áp dụng các giải pháp hữu ích.

Theo đó, DN được hỗ trợ xây dựng, áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng: ISO 14001, ISO 22000, ISO 9001, SA 8000, ISO 45001, VIET-GAP, 5S,… công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy,...

"Chìa khóa" cho sự thành công

Thời gian qua, Sở KH&CN Long An giao Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  (Chi cục)là cơ quan thường trực trong việc tham mưu, đề xuất hỗ trợ DN thực hiện chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc nhiều ngành nghề: Cơ khí, dược liệu, nông sản, thực phẩm,...

Với sự nỗ lực, chủ động từ phía DN và sự hỗ trợ của chương trình, trong năm 2021, Sở KH&CN đã ban hành Kế hoạch số 693/KH-SKHCN, ngày 17/6/2021 về việc triển khai Quyết định số 692/QĐ-UBND, ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh về Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An năm 2021 (đợt 1).

Kết quả có 12 hồ sơ DN đăng ký tham gia chương trình và được Hội đồng xét hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa với tổng kinh phí thực hiện theo kế hoạch là 962.500.000 đồng. Tháng 9/2021, Sở KH&CN ban hành Kế hoạch số 1053/KH-SKHCN, ngày 23/9/2021 (đợt 2).

Có 9 hồ sơ DN đăng ký tham gia và được Hội đồng xét hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa với tổng kinh phí thực hiện theo kế hoạch là 662.000.000 đồng. Theo đó, các DN tham gia và triển khai áp dụng thành công các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần hợp lý hóa sản xuất, giảm lãng phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa và khả năng cạnh tranh của DN.

CTCP Dược liệu Mecola (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) mới thành lập chuyên ngành sản xuất các sản phẩm phục vụ gia đình như nước lau sàn, nước rửa chén, tinh dầu tràm,... từ các nguyên liệu thiên nhiên có sẵn tại địa phương. Ngay khi đi vào hoạt động, công ty xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Theo Giám đốc CTCP Dược liệu Mecola - Nguyễn Quốc Vũ, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 là sự lựa chọn đúng đắn của công ty. Hiện tại, nhà máy sản xuất của công ty áp dụng công nghệ hiện đại, giảm thấp nhất mức sử dụng lao động, chỉ có 12 lao động cho dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, công ty áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 giúp cải thiện hiệu quả công việc của nhân viên.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Vũ, khi công ty đi vào hoạt động, ông liên hệ Chi cục trực thuộc Sở KH&CN để đăng ký xây dựng tiêu chuẩn ISO 9001. Biết được nhu cầu của công ty, Chi cục đã nhanh chóng hỗ trợ công ty các thủ tục đăng ký, tư vấn áp dụng tiêu chuẩn.

Thời gian qua, công ty được đơn vị tư vấn hỗ trợ tích cực các quy trình, từ đó người lao động hiểu được tầm quan trọng của công việc mình đang đảm nhận, đặc biệt là vai trò của họ trong sự phát triển chung của công ty. Qua đó, mỗi nhân viên cảm thấy có trách nhiệm hơn trong công việc được giao và quyền hạn được phân công rõ ràng, được truyền thông công khai trong nội bộ tổ chức. Điều này giúp giải quyết công việc được trơn tru và tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy công việc cho nhau.

Khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001, việc lưu trữ hồ sơ được ví như "chiếc chìa khóa vàng" của DN. Trong quá trình làm việc, nếu có sự thay đổi nhân sự, hay một nhân viên nghỉ việc, việc áp dụng ISO 9001 là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Bởi, các vấn đề phát sinh trong công việc đều được ghi chép lại, sau đó mọi người cùng nhau bàn bạc, phân tích để đưa ra những biện pháp khắc phục nhằm giải quyết vấn đề triệt để. Dần dần những kinh nghiệm và cách xử lý công việc sẽ được chuyển thành quy trình hướng dẫn công việc cụ thể cho nhân viên. Qua đó, bất cứ một nhân viên nào cũng có thể áp dụng các quy trình giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt hơn, khi áp dụng ISO 9001, chủ DN có thể điều khiển công việc từ xa, có thể giám sát thái độ làm việc của nhân viên qua phần mềm. Từ đó, có thể thúc đẩy công việc tại nhà máy trôi chảy. Hiện nay, nhà máy sản xuất, phân phối ra thị trường bình quân mỗi sản phẩm khoảng 2 tấn/tháng. công ty đang đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường nhiều hơn và đặt mục tiêu xuất khẩu vào năm 2023.

Công ty TNHH Airspeed Manufacturing Việt Nam (Airspeed) sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư từ Mỹ và Anh, nhà máy sản xuất tại khu xưởng Kizuna 2, Khu công nghiệp Tân Kim, huyện Cần Giuộc. Phó Tổng Giám đốc công ty - Bùi Quỳnh Trang chia sẻ, thông qua thông tin từ Sở KH&CN, sự hỗ trợ của Công ty Kizuna, công ty biết tới chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa mà Long An triển khai. Đây là chương trình rất bổ ích cho công ty nên chúng tôi đăng ký tham gia ngay khi biết tới.

Trước khi tham gia chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, Airspeed đã áp dụng các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001. Khi tiếp cận chương trình, công ty được hướng dẫn xây dựng thêm 2 tiêu chuẩn mới: ISO 45001:2018 (hệ thống quản lý sức khỏe nghề nghiệp) và SA8000 (quản trị trách nhiệm xã hội). Với sự hỗ trợ từ Sở KH&CN, 2 hệ thống này sẽ được hoàn thiện xây dựng vào cuối năm 2021. Hiện nay, năng lực sản xuất của công ty đạt 500.000 bộ dây cáp/tháng. Với 2 tiêu chuẩn đang xây dựng, công ty đặt kế hoạch tăng sản lượng lên 15% trong năm 2022 và có thêm nhiều khách hàng mới.

Lý giải thêm vì sao tham gia xây dựng 2 tiêu chuẩn ISO 45001:2018 và SA8000, bà Bùi Quỳnh Trang nói, tiêu chuẩn ISO 45001:2018 giúp công ty nâng cao nhận thức về rủi ro hệ thống quản lý sức khỏe người lao động trong công ty. Theo đó, người lao động có vai trò chủ động hơn trong quản lý sức khỏe nghề nghiệp. Qua đó, công ty được thừa nhận đạt theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với tiêu chuẩn SA8000 được xây dựng lợi ích đứng trên quan điểm của khách hàng.

Một khi công ty đạt tiêu chuẩn này, khách hàng có niềm tin về sản phẩm được tạo ra trong một môi trường làm việc an toàn và công bằng. Từ các cơ sở này, công ty có được nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều khách hàng hơn và xâm nhập được vào thị trường mới có yêu cầu cao.

Cũng qua đó, công ty có thể nâng cao hình ảnh, tạo niềm tin cho các bên trong "Sự yên tâm về mặt trách nhiệm xã hội". Công ty cũng có vị thế tốt hơn trong thu hút lao động giỏi, có tay nghề cao thông qua các cam kết rõ ràng về các chuẩn mực đạo đức và xã hội từ 2 tiêu chuẩn trên. Đây là yếu tố được xem là "chìa khóa cho sự thành công" trong thời đại mới của công ty.

Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Huỳnh Tấn Luật cho biết: Việc hỗ trợ DN tham gia chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giúp DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chương trình đã từng bước giúp DN tiếp cận và làm chủ các mô hình quản lý tiên tiến trong khu vực, vận dụng phù hợp với đặc thù của từng DN, tạo tiền đề nhân rộng áp dụng cho cộng đồng DN. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh chinh phục thị trường, khách hàng, gia tăng lợi nhuận, củng cố thương hiệu.

Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Huỳnh Tấn Luật: "Việc hỗ trợ DN tham gia chương trình Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa giúp DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chương trình đã từng bước giúp DN tiếp cận và làm chủ các mô hình quản lý tiên tiến trong khu vực, vận dụng phù hợp với đặc thù của từng DN, tạo tiền đề nhân rộng áp dụng cho cộng đồng DN. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh chinh phục thị trường, khách hàng, gia tăng lợi nhuận, củng cố thương hiệu”.