Chuẩn bị các thông tin cần thiết để sẵn sàng cho kế hoạch tiêu thụ lúa gạo

Theo BT/dangcongsan.vn

Tại các tỉnh Nam bộ, theo ước tính việc xuống giống lúa trong tháng 10/2021 sẽ thu hoạch lúa vào tháng 1/2022. Ước tính có khoảng 2 triệu tấn lúa, tương đương 1 triệu tấn gạo cần được tiêu thụ. Do đó, các địa phương cần thống kê diện tích xuống giống, cơ cấu giống lúa và ước thời gian thu hoạch để có thông tin kịp thời đến Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp để có kế hoạch tiêu thụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những tháng đầu năm 2021, ngành lúa gạo Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng về sản xuất do thời tiết thuận lợi và một số hiệp định thương mại mở ra lợi thế, triển vọng xuất khẩu đối với mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu có thể khiến nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực được kỳ vọng vẫn ở mức cao. Đến tháng 5/2021, trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tình hình tiêu thụ lúa gạo trong nước và thị trường xuất khẩu ổn định. Lũy kế xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,598 triệu tấn, trị giá 1,410 tỷ USD, so với cùng kỳ về số lượng giảm 15,39%, so với giá trị giảm 5,31%. Giá xuất khẩu bình quân đạt 542,81 USD/tấn, tăng 57,74 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 năm 2021 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng khắp các tỉnh thành phía Nam, việc đi lại thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa gạo cho vụ Hè Thu với diện tích gần 1.780 nghìn ha với sản lượng ước 10.152 nghìn tấn gặp nhiều khó khăn thách thức. Trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, liên tục trong nhiều tháng liền, khả năng di chuyển của con người cùng thiết bị, vận chuyển nông sản giữa các tỉnh giáp ranh địa bàn các tỉnh đều bị trở ngại bởi quy định phòng chống dịch như xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR, cách ly…nên việc thiếu doanh nghiệp, thương lái thu mua cùng phương tiện và nhân công tham gia thu hoạch, vận chuyển về nơi tiêu thụ. Mặt khác, giá thu mua lúa tươi giảm so với cùng kỳ năm trước từ 500 – 800 đ/kg.

Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành nên việc thu hoạch lúa Hè Thu với gần 1.780 nghìn ha đã thu hoạch và tiêu thụ gần như kết thúc.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lũy kế đến tháng 8/2021 xuất khẩu gạo đạt 3.986 triệu tấn, trị giá 2,129 tỷ USD, so với cùng kỳ về số lượng giảm 13,42%, so với giá trị giảm 5,48%. Giá xuất khẩu bình quân đạt 534,07 USD/tấn, tăng 44,86 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, đối tượng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo vẫn rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay không có tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, do lãi suất vay thu mua lúa gạo hiện đã ở mức thấp nên một số doanh nghiệp không được ngân hàng giảm thêm lãi cũng như cơ cấu nợ theo các chính sách hỗ trợ khác. Việc thực hiện hỗ trợ tài chính cho ngành lúa gạo vẫn còn một số hạn chế như hạn mức cho vay còn thấp; thời gian cho vay ngắn và hầu hết các thủ tục giải ngân đều yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng xuất khẩu gạo, trong khi tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng ở giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội này đang hết sức khó khăn.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, tại các tỉnh Nam bộ, theo ước tính việc xuống giống lúa trong tháng 10/2021 sẽ thu hoạch lúa vào tháng 1 năm 2022. Thời điểm này các doanh nghiệp đang vào cuối năm, hoạt động có giới hạn với lượng lúa hàng hóa đột biến gia tăng. Ước tính có khoảng 2 triệu tấn lúa, tương đương 1 triệu tấn gạo cần được tiêu thụ.

Do đó, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thống kê diện tích xuống giống, cơ cấu giống lúa và ước thời gian thu hoạch. Sau đó, Cục Trồng trọt sẽ tổng hợp và thông tin đến Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp trước thu hoạch 30 ngày để xây dựng kế hoạch tiêu thụ lúa gạo trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.