Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế: Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là điều kiện để đảm bảo các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trong lập và trình bày báo cáo tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, IFRS chỉ đưa ra những nguyên tắc chung, có tính chất khuyến cáo cho các quốc gia, không gắn trực tiếp với quốc gia nào. Vì vậy, khi triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu dưới đây chỉ ra kinh nghiệm khi áp dụng IFRS tại một số quốc gia, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hệ thống Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS) được xây dựng và phát triển từ những năm đầu của thập kỷ 1970. Đến năm 2001, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASC) được thành lập, dựa trên nền tảng của Ủy ban IASC nhưng với một cơ cấu tổ chức chặt chẽ và độc lập hơn. Đến nay, ISAC đã xây dựng 43 chuẩn mực, bao gồm 17 chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và 16 chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS).

IFRS được chấp nhận như chuẩn mực lập BCTC cho các công ty tìm kiếm sự thừa nhận trên thị trường chứng khoán thế giới. Việc sử dụng IAS/IFRS mang lại những lợi ích khá rõ như: Tiết kiệm chi phí soạn thảo chuẩn mực và nhanh chóng hòa nhập vào Chuẩn mực Kế toán quốc tế được chấp nhận; sự hội nhập về kế toán giúp cho các công ty huy động vốn trên thị trường quốc tế. Đến nay, đã có hơn 119 quốc gia trên thế giới thực hiện việc yêu cầu (bắt buộc) hoặc cho phép (không bắt buộc) các công ty niêm yết trên thị truờng chứng khoán của họ sử dụng IAS/IFRS khi lập và trình bày BCTC.

Lộ trình và kinh nghiệm áp dụng IFRS ở một số quốc gia trên thế giới

Các quốc gia trên thế giới áp dụng IFRS theo những mô hình khác nhau. Có 3 mô hình chính được áp dụng:

Mô hình 1: Áp dụng đầy đủ IFRS, những thay đổi không đáng kể. Đại diện cho mô hình này là Malaysia. Ở nước này, IFRS được điều chỉnh tối thiểu khi hệ thống chuẩn mực BCTC quốc gia được thiết lập. Các công ty ở Malaysia hoạt động dựa trên bộ 3 khung kế toán: Một là, khung chuẩn mực BCTC (FRS) cũ, được công bố dựa trên IAS; Hai là, khung báo cáo cho doanh nghiệp tư nhân (Khung tiêu chuẩn báo cáo doanh nghiệp tư nhân - PERS); Ba là, Chuẩn mực BCTC Malaysia (MFRS). Các khung này đã được ban hành bởi MASB và được áp dụng bởi các doanh nghiệp ở Malaysia tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, PERS chỉ được áp dụng bởi các công ty tư nhân, ngoại trừ các công ty chuyển đổi. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2013 trở đi, các công ty chuyển đổi này buộc phải thực hiện MFRS. Malaysia không yêu cầu IFRS cho các doanh nghiệp nhỏ vì không có đủ nguồn lực để thực hiện.

Mô hình 2: Các quốc gia chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường đã sử dụng IFRS làm cơ sở chính để xây dựng hệ thống chuẩn mực BCTC của riêng họ. Các quốc gia IFRS này không áp dụng đầy đủ mà chỉ áp dụng một phần và thực hiện các sửa đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp với quốc gia của họ. Trung Quốc là minh chứng điển hình.

Đến tháng 2/2006, Trung Quốc đã công bố Chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, được gọi là Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (Generally Accepted Accounting Principles – GAAP) mới của Trung Quốc (PRC GAAP). GAAP mới của Trung Quốc về cơ bản hợp nhất với IFRS. GAAP mới áp dụng bắt buộc đối với các công ty niêm yết, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, doanh nghiệp đại chúng với quy mô lớn, các tổ chức tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và các công ty quản lý quỹ.

Tuy nhiên, từ năm 2008, yêu cầu này đã bị hủy bỏ, thay vào đó, các công ty ở Trung Quốc phải công bố BCTC theo IFRS nếu được niêm yết trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc và đã phát hành cổ phiếu loại “B” (cổ phiếu được giao dịch bằng USD và được mua bởi nhà đầu tư nước ngoài). Đến tháng 4/2010, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố lộ trình tiếp tục kết hợp chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Trung Quốc với IFRS.

Trên thực tế, Chuẩn mực kế toán doanh nghiệp Trung Quốc nói chung vẫn chưa đạt được chất lượng IFRS đề ra. Để giải quyết các thách thức và trở ngại, Trung Quốc đã thực hiện: i) Thành lập nhóm làm việc của Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề thực tế gặp phải; ii) Bắt đầu điều tra và nghiên cứu tại chỗ về các vấn đề được xác định trong phân tích báo cáo hàng năm của các công ty niêm yết; iii) Tổ chức đào tạo về PRC GAAP mới cho nhân viên kế toán; iv) Tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan quản lý khác đối với lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán và tài sản nhà nước.

Mô hình 3: Áp dụng ở các quốc gia nơi hệ thống chuẩn mực kế toán được thiết lập trước khi IAS được thiết lập, vì vậy các nước này chỉ cần thay đổi để hợp nhất với IFRS. Đây là tình hình của các nước phát triển, với nền kinh tế lâu đời. Hoa Kỳ là ví dụ điển hình. Tại Hoa Kỳ, các công ty tạo lập BCTC theo tiêu chuẩn kế toán của Hoa Kỳ (US GAAP), được ban hành bởi FASB. Bên cạnh đó, các công ty niêm yết phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).

Hiện tại, Hoa Kỳ chưa có chính sách yêu cầu lập BCTC theo IFRS cho các công ty trong nước; mặt khác, các công ty tư nhân nước ngoài được phép áp dụng IFRS để tạo BCTC. Tháng 2/2010, SEC tái khẳng định cam kết đối với một hệ thống chuẩn mực kế toán toàn cầu và đưa ra các kế hoạch hành động, trong đó xác định 6 khía cạnh cần cân nhắc để SEC có thể kết hợp IFRS vào BCTC của Hoa Kỳ nhằm phát triển đầy đủ IFRS, từ đó áp dụng cho hệ thống báo cáo trong nước; tính độc lập của các tiêu chuẩn ban hành vì lợi ích của các nhà đầu tư; nhận thức của các nhà đầu tư về IFRS; môi trường pháp lý; và nguồn nhân lực.

Gần đây, SEC công bố các chiến lược nhằm soạn thảo tài liệu, trong đó nêu rõ mục tiêu đạt được các chuẩn mực kế toán chất lượng cao hơn có thể được áp dụng trên toàn cầu với nhiều đề xuất được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đó.

Thực trạng áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam

Hạn chế của hệ thống chuẩn mực hiện hành

Hiện nay, hệ thống Chuẩn mực BCTC Việt Nam (VAS) tồn tại một số vấn đề gồm:

Thứ nhất, Việt Nam mới chỉ ban hành 26 VAS trong khi hệ thống IFRS hiện nay quốc tế có tới hơn 40 chuẩn mực. Điều này có nghĩa là còn rất nhiều chuẩn mực mà Việt Nam chưa ban hành dẫn đến VAS không thể phản ánh được hết các giao dịch của nền kinh tế (ví dụ: chưa có chuẩn mực về thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản)

Thứ hai, tại thời điểm ban hành cách đây hơn 10 năm, VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa theo kịp với thông lệ quốc tế và nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều các loại công cụ tài chính phức tạp.

Thứ ba, do VAS hướng đến việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá gốc chứ không phải giá trị hợp lý (giá trị thị trường) nên BCTC chưa phản ánh được đúng và đầy đủ tình hình tài chính của các doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo vì giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường luôn biến động, những khoản tổn thất tài sản chưa được ghi nhận đầy đủ.

Thứ tư, phạm vi áp dụng của một số Chuẩn mực BCTC hiện chưa phù hợp với bản chất của một số loại tài sản. Chuẩn mực hàng tồn kho (VAS 02), Chuẩn mực tài sản cố định (VAS 03) hiện áp dụng cho cả tài sản sinh học của hoạt động nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi và những sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến thu được từ tài sản sinh học (thịt, hoa màu, gỗ…), trong khi tài sản sinh học có đặc thù riêng nhưng vẫn được kế toán như hàng tồn kho hoặc TSCĐ.

Thứ năm, nhóm chuẩn mực về công cụ tài chính chưa được ban hành, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để ghi nhận công cụ tài chính theo thông lệ quốc tế, cụ thể là chuẩn mực về công cụ phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất hoặc giá cả hợp đồng hàng hóa.

Thứ sáu, việc chưa ban hành chuẩn mực tổn thất tài sản nên doanh nghiệp chưa có căn cứ để ghi nhận tổn thất do suy giảm giá trị tài sản, gây rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư và người sử dụng BCTC. Trong nhiều trường hợp, tài sản vẫn phản ánh theo giá gốc vượt quá giá trị có thể thu hồi tài sản và làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp bị bóp méo.

Thứ bảy, các yêu cầu về thuyết minh BCTC của VAS còn chưa hoàn thiện, gây ảnh hưởng đến khả năng phân tích của người sử dụng BCTC, từ đó làm giảm khả năng so sánh thông tin và tính minh bạch của BCTC.

Hạn chế trong việc tiếp cận IFRS

Do Việt Nam chưa tuyên bố áp dụng IFRS nên hiện tại các doanh nghiệp đều lập BCTC theo VAS. Một số doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp FDI theo yêu cầu của nhà đầu tư hoặc công ty mẹ tại nước ngoài, nhà tài trợ quốc tế hiện đang thực hiện chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS chứ chưa trực tiếp lập BCTC theo IFRS. Việc chuyển đổi BCTC hiện vẫn còn nhiều hạn chế do các doanh nghiệp chưa được đào tạo căn bản nên phụ thuộc vào các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trong khi Nhà nước chưa có hướng dẫn chính thức.

Giải pháp cho việc áp dụng IFRS cho Việt Nam

Trong tương lai, để IFRS được áp dụng phổ biến và đáp ứng yêu cầu hội nhập và kế toán kinh tế quốc tế, Việt Nam cần tiến hành nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài, bao gồm giải pháp trực tiếp cho hệ thống chuẩn mực kế toán và giải pháp về kinh tế và môi trường pháp luật. Các giải pháp cơ bản trong giai đoạn tới nhằm thúc đẩy việc áp dụng IFRS bao gồm:

Thứ nhất, cung cấp các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về các tiêu chuẩn quốc tế dưới nhiều hình thức thông qua các tổ chức quốc tế (ACCA, ICAEW...), các hiệp hội nghề nghiệp quốc gia (VACPA, VAA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các công ty tư vấn, dịch vụ kiểm toán kế toán, cũng như các cơ sở đào tạo như Đại học, Cao đẳng với các chương trình kiểm toán kế toán.

Thứ hai, chuyển tải chính xác các thuật ngữ chuyên môn chuẩn mực quốc tế sang tiếng Việt đồng thời đảm bảo rằng phiên bản dịch gần giống với phiên bản gốc; Tập trung vào đào tạo lao động kế toán chuyên nghiệp trẻ có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và thành thạo ngoại ngữ.

Thứ ba, nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý doanh nghiệp về vai trò của chuẩn mực kế toán quốc tế trong quá trình hội nhập cũng như các yêu cầu của chuẩn mực kế toán quốc tế đối với sự thay đổi trong quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Adam and Do Thuy Linh, (2005), Integrating to international accountingaudit principles, Hanoi: Publication of National Politics;
2. Dang Thai Hung, (2008), The system of VAS: the need, the content and roadmap for new updates and establishments. Accounting Journals;
3. Doan Xuan Tien, (2008), The system of VAS: Issues with rooms for improvements, Auditing Journals, 6(91), June. IFRS. (2012a). Access the unaccompanied standards and their technical summaries. [online] Available at: http://www.ifrs.org/IFRSs/Pages/IFRS.aspx [Accessed June
12, 2020];
4. IFRS Foundation, (2012), Due Process Handbook for the IASB, IFRS Foundation, 2012b. Report to the Trustees of the IFRS Foundation: IFRS Foundation staff analysis of the SEC Final Staff Report - Work Plan for the consideration of incorporating IFRS into the financial reporting system for
US issuers. <www.ifrs.org/Use...US.../Analysis-of-SEC-Final-Staff-Report.pdf>. [Accessed June 12, 2020].