Chuyển đổi số giúp các địa phương đi tắt, đón đầu

Theo Ngọc Hưởng/ Báo Hậu Giang

Kinh tế số sẽ là một động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nhanh và bền vững, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Đại biểu tham quan triển lãm sản phẩm về công nghệ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hưởng
Đại biểu tham quan triển lãm sản phẩm về công nghệ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hưởng

Nhiều kết quả nổi bật

Tại Hậu Giang, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và các Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đáng chú ý, Cổng dịch vụ công của tỉnh đang cung cấp gần 1.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (là 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 3, mức độ 4), cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động. 99% văn bản không mật được gửi/nhận trên hệ thống quản lý văn bản, có ký số đúng quy định (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

Tỉnh Hậu Giang cũng đã vận hành hiệu quả nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, kết nối đồng bộ với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp quốc gia. Từng bước hình thành cơ sở dữ liệu ngành, hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu khai thác dữ liệu và cung cấp dịch vụ công. Ngoài ra, tỉnh đã kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu của tỉnh bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, tư pháp,… để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã trên địa bàn tỉnh; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G. Các hệ thống thông tin của tỉnh được đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp. 90% hộ gia đình có mã bưu chính, có thể tra cứu địa chỉ số.

Trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho cán bộ công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu công việc; hệ thống họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã được trang bị mới, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định với Chính phủ và trên địa bàn tỉnh từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã. Đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tỉnh đang tập trung tăng tốc triển khai chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực để hướng tới mục tiêu tiếp tục xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, nâng cao thứ hạng chuyển đổi số của Hậu Giang trên cả nước. Một số mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết 02-NQ/TU về phát triển kinh tế số bao gồm: “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghệ số, tỷ trọng kinh tế số phấn đấu đạt 10% GRDP của tỉnh”.

“Tỉnh kỳ vọng, chuyển đổi số góp phần quan trọng để thực hiện các Nghị quyết, Chương trình của Tỉnh ủy, trong đó bao gồm các định hướng quan trọng về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, nguồn nhân lực và các lĩnh vực quan trọng khác của tỉnh”, ông Đồng Văn Thanh cho biết thêm.

Động lực tăng trưởng

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2022 với chủ đề: “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP. Hồ Chí Minh trong tương lai” vào sáng ngày 15/4 vừa qua, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho biết: Nếu như 20 năm trước, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam quá nhỏ bé, phần mềm bằng số 0 thì 20 năm sau Việt Nam đã có vị thế trên thế giới. Hiện nay, tất cả các địa phương trên cả nước đều nói về chuyển đổi số, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đi đầu trong nhiều lĩnh vực về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông Bình cho rằng, trong thời gian tới, các trường cao đẳng, đại học và thậm chí cả các trường phổ thông trên địa bàn thành phố cần nghiên cứu để đưa các môn học liên quan tới trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy cho các em. Bằng cách đó, tương lai chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực khoa học công nghệ lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Bình cũng nói thêm: Thành phố cần phải xây dựng cơ chế đặc biệt cho lĩnh vực này, đồng thời đưa ra kiến nghị thành phố nên dành ít nhất không dưới 2% ngân sách để đầu tư cho chuyển đổi số.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của thành phố, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động.

Tuy nhiên, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.

“Kinh tế số cũng đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nhân. Triển khai hiệu quả chuyển đổi số, kinh tế số là một trong những cơ hội quan trọng, giúp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực” ông Nên nhấn mạnh.

Kinh tế số Việt Nam đã tăng trưởng nhanh, tạo tiền đề đạt mục tiêu đóng góp 20% GDP vào năm 2025. Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN với mức 16%, đạt giá trị 14 tỉ USD. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc khoảng 52 tỉ USD.