Chuyển đổi số: Phương thức cấp thiết để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh

Theo Đình Đại/diendandoanhnghiep.vn

Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội dung trên được ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nêu tại Hội thảo “Chuyển đổi số: Phương thức cấp thiết để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh trong giai đoạn COVID-19”, do VCCI-HCM, phối hợp với Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh tổ chức, chiều ngày 21/12.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết: “Chương trình Chuyển đổi Số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, quá trình thay đổi từ mô hình DN, mô hình quản lý truyền thống sang DN số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức.

Theo kết quả khảo sát do VCCI và VNPT thực hiện vào đầu năm nay, có trên 80% lãnh đạo DN cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo DN dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong DN hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.

Ông Thành cho rằng, 03 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ; thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Do đó, mỗi DN cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm...

“Chuyển đổi số thực sự đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng trải nghiệm cho người tiêu dùng, hỗ trợ vận hành sản xuất và canh tác bền vững, đem đến một môi trường làm việc an toàn, hiệu suất và có tính kết nối nhiều hơn cho nhân viên”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, khiến chuyển đổi số là một vấn đề “sống còn” trong quá trình phát triển kinh doanh.

Do đó, ông cho rằng, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

“Đại dịch đã làm thay đổi đáng kể nền sản xuất kinh doanh và thương mại do sự chuyển đổi từ quản lý và mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Vì vậy, để tăng cường cơ hội phát triển trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn của dịch bệnh COVID-19, các DN Việt Nam cần nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, nỗ lực chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ để quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp truyền thống vẫn đang đặt vấn đề lợi nhuận lên rất nhiều trong quá trình chuyển đổi số, mặc dù vẫn chưa có nền tảng ổn định để tạo ra lợi nhuận. Trong khi đó, việc mở rộng kênh bán, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức quy trình điều hành, văn hóa doanh nghiệp… lại đòi hỏi sự đầu tư về tài chính và giải pháp từ doanh nghiệp khiến họ dễ nản và bỏ cuộc.

“Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.