Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Anh Thư

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, 30% vào năm 2030. Giải pháp để đạt được mục tiêu trên là thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Kinh tế số dự kiến chiếm 20% GDP vào năm 2025, 30% vào năm 2030
Kinh tế số dự kiến chiếm 20% GDP vào năm 2025, 30% vào năm 2030

Theo đó, 04 loại hình doanh nghiệp công nghệ số được xác định thúc đẩy phát triển gồm: Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất; Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, Chính phủ cũng đề ra giải pháp chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.

Việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số cũng được đặt ra cùng với phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam đa dạng, hấp dẫn. Các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia phát triển công nghiệp sáng tạo.

Các biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật cũng được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nền tảng số toàn cầu hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng đối với doanh nghiệp nội dung số trong nước.

Chính phủ sẽ xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh và từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, về phát triển thương mại điện tử, thị trường thương mại điện tử sẽ được xây dựng theo hướng  mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, không chỉ dừng lại ở người tiêu dùng. Các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng.