Cơ hội để doanh nghiệp nói lên tâm tư, nguyện vọng

Theo Hạnh Nhung/daibieunhandan.vn

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” tiếp tục thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp bày tỏ ý kiến và chuyên gia hiến kế giải pháp với hy vọng Quốc hội tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, sớm đưa đất nước tới thịnh vượng.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận PhướcDiễn đàn có ý nghĩa to lớn

Cơ hội để doanh nghiệp nói lên tâm tư, nguyện vọng - Ảnh 1

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc Quốc hội tổ chức một Diễn đàn lớn như vậy để lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn và hiến kế giải pháp hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn với cả Quốc hội và doanh nghiệp.

Một mặt, Diễn đàn sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp nói lên những tâm tư, nguyện vọng; để các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm chia sẻ kiến nghị và giải pháp tâm huyết. Từ đó Quốc hội nói riêng, Nhà nước nói chung sẽ có cái nhìn đầy đủ và khách quan hơn trong việc tìm ra hướng giải quyết, giải pháp để hỗ trợ từng đối tượng và phát triển các ngành kinh tế.

Những thông tin tại Diễn đàn cũng giúp cho Quốc hội cùng Chính phủ có căn cứ điều chỉnh lại các chính sách trong bối cảnh thế giới đang có sự thay đổi rất lớn từ sau đại dịch và cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Thực tế, giá đầu vào của nguyên liệu, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, các hóa chất quá lớn, khiến cho người dân thua lỗ, buộc phải ngừng sản xuất. Cùng với đó, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu nông, thủy sản, hay mới đây là vấn đề siết tín dụng với doanh nghiệp... Các yếu đó khiến số phận của người nông dân, ngư dân đang “sống dở, chết dở” trên đồng ruộng, vùng biển.

Vấn đề ở đây phải tổ chức Diễn đàn như thế nào để có thể lắng nghe được thực tế, chứ không phải chỉ tô đậm những mảng màu hồng, bỏ quên những mảng màu tối. Xét đến cùng, mục đích của Diễn đàn là hướng tới nền kinh tế phát triển thịnh vượng, và thịnh vượng này là để phục vụ cho sự ấm no của người dân chứ không phải thể hiện ở tỷ lệ tăng trưởng hay những con số.  

Ông Phan Việt Hoàng - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh HòaPhải đánh giá đúng sức đề kháng của nền kinh tế

Cơ hội để doanh nghiệp nói lên tâm tư, nguyện vọng - Ảnh 2

Theo quan sát của tôi, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội đã trở thành một hoạt động thường niên của Quốc hội. Vào cuối năm ngoái, khi nền kinh tế hết sức khó khăn đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhanh chóng phục hồi, Quốc hội đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế và những thảo luận tại sự kiện này là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Quốc hội trong Kỳ họp bất thường diễn ra sau đó.

Như vậy có thể nói, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 một lần nữa khẳng định Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành chính sách để phục hồi, phát triển kinh tế.  

Bối cảnh năm nay tuy dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với hàng loạt thách thức khi tăng trưởng kinh tế thấp, hàng triệu người lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19, những xung đột của một số nước trên thế giới tác động lớn đến giá năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát...

Riêng doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn tái khởi động dự án. Đặc biệt, đây là thời điểm giao thoa sửa chữa các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá..., để hoàn thiện cũng cần thêm một khoảng thời gian và doanh nghiệp sẽ tiếp tục gồng gánh chi phí nếu muốn duy trì...

Vì vậy, chúng tôi mong rằng, các trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 sẽ làm rõ tình hình hiện nay, đánh giá khách quan sức đề kháng của nền kinh tế để có quyết sách phù hợp, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn và bền vững hơn. Với riêng cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi mong muốn sớm tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách với hạng mục cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Một ý muốn chia sẻ thêm là cá nhân tôi đánh giá rất cao chủ đề “củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” của Diễn đàn. Bởi tôi cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chính là nền tảng quan trọng nhất để đưa đất nước ta vượt qua những thời điểm khó khăn.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du Lịch Duy Nhất Đông DươngChính sách tốt, thực thi cũng phải tốt

Cơ hội để doanh nghiệp nói lên tâm tư, nguyện vọng - Ảnh 3

Sau 6 tháng mở cửa hoàn toàn, ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực phục hồi nhưng vẫn gặp những khó khăn nhất định. Khách quốc tế chiếm 75% công suất phòng, dịch vụ của ngành song việc đón khách quốc tế vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Nguyên nhân do bối cảnh thế giới còn phức tạp; vấn đề đi lại giữa các quốc gia còn nhiều cản trở; ở trong nước rào cản về thị thực (visa) chưa được giải quyết... Đối với du lịch nội địa, mặc dù có tiềm năng lớn với gần 100 triệu dân nhưng các sản phẩm du lịch vẫn chưa đa dạng, thiếu sự liên kết giữa các vùng, miền; đặc biệt chất lượng lao động ngành du lịch cũng không bảo đảm...

Trong bối cảnh như vậy, ngành du lịch rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước. Thực tế, khi đại dịch xảy ra, Quốc hội, cụ thể là các đại biểu Quốc hội chuyên trách thường xuyên nắm tình hình về kinh tế du lịch, đến tận các Hiệp hội, doanh nghiệp để lắng nghe và đề xuất chính sách kịp thời.

Chính sách tốt phải đi kèm với việc thực thi tốt. Chúng tôi kỳ vọng qua Diễn đàn Kinh tế - Xã hội của Quốc hội, nhiều vấn đề sẽ được thực thi mạnh mẽ hơn, đúng với trọng tâm doanh nghiệp cần. Đồng thời, Diễn đàn sẽ thảo luận và tìm ra các chính sách phát triển kinh tế đúng, trúng và tác động sâu rộng đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.