Cơ hội vàng cho doanh nghiệp công nghệ

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Việc nở rộ nhu cầu chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh cũng như phát triển đô thị thông minh đang là cơ hội vàng để ngành công nghệ thông tin Việt Nam bứt phá.

 Nhu cầu tự động hóa sản xuất mang lại nhiều cơ hội cho các DN công nghệ.
Nhu cầu tự động hóa sản xuất mang lại nhiều cơ hội cho các DN công nghệ.

Ông Will Nguyen, Giám đốc sáng tạo KPMG Việt Nam, cho biết khảo sát gần đây của công ty với hơn 300.000 CIO (giám đốc công nghệ thông tin) trên toàn cầu về xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số của các doanh nghiệp (DN) cho thấy đang có sự nhảy vọt ngân sách từ các DN ở mọi lĩnh vực dành cho công nghệ thông tin (IT).

Đứng trước bước ngoặt lớn

Riêng với Việt Nam, thăm dò cho thấy đang xếp thứ 2 trong 108 quốc gia trên toàn cầu về những cam kết thực hiện đầu tư các lĩnh vực IT. Điều này rất thú vị vì chưa có quốc gia nào trong khu vực có nhiều động lực mạnh mẽ về đầu tư công nghệ như Việt Nam.

Mặc dù trong 5 năm qua, mức độ đầu tư của DN cho IT của Việt Nam vẫn khá thấp (với tỷ lệ 2%) so với khu vực ASEAN (khoảng 5%) nhưng cần ghi nhận tỷ lệ này ở Việt Nam hiện đang gia tăng hàng năm, nhất là các nhà sản xuất đang dần chuyển đổi sang tự động hóa.

Đặc biệt, việc sử dụng điện toán đám mây đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho các công ty công nghệ thuộc dạng vừa và nhỏ tại Việt Nam tham gia lĩnh vực này.

“Quan sát ở Việt Nam hiện nay sẽ thấy có nhiều công ty đang đầu tư mạnh cho IT, họ cần đầu tư để bắt nhịp thị trường nhằm cạnh tranh tốt hơn”, ông Will Nguyen nói.

Chia sẻ với giới DN công nghệ tại Hội nghị quốc tế về Phát triển dịch vụ công nghệ Việt Nam 2019 diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh ngày 24/10, Giám đốc sáng tạo KPMG Việt Nam nhận định trong 12 tháng qua, các DN ở Việt Nam đang dành sự quan tâm lớn đến việc đầu tư robot cho hoạt động sản xuất tự động hóa. Dự báo 2 - 3 năm tới sẽ có làn sóng lớn trong hoạt động này.

Còn theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), lĩnh vực IT ở Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lớn với tốc độ phát triển nhanh và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Các công ty công nghệ của Việt Nam đang đi cùng xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực: Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain), chuyển đổi số (Digital Transformation)...

“Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các đề án xây dựng đô thị thông minh trong cả nước, thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo và đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế... Đây chính là lợi thế rất lớn cho các DN muốn triển khai sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới và cũng là cơ hội vàng để ngành IT Việt Nam bứt phá, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo - Innovation Hub hàng đầu tại ASEAN”, ông Long khẳng định.

Động lực cạnh tranh

Trong lĩnh vực IT, mục tiêu đặt ra của Việt Nam là đến năm 2020 có khoảng 100.000 DN công nghệ, đưa Việt Nam lọt top 30 cường quốc về IT. Nhu cầu gia công phần mềm ở thị trường Việt Nam được dự báo tăng trưởng nhanh hơn các nước trong khu vực và tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Thời gian qua, Việt Nam cũng được ghi nhận là đã rất thành công trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, được xem là “Software Development Hub” (trung tâm phát triển phần mềm) ở tầm khu vực châu Á về Outsourcing (gia công phát triển phần mềm).

Tại khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia chủ yếu cung cấp dịch vụ thuê ngoài các dịch vụ IT, có thể thay thế Trung Quốc, Ấn Độ trong hoạt động dịch vụ này. Sức mạnh cạnh tranh của thị trường gia công phần mềm Việt Nam đến từ giá nhân công rẻ và tỷ lệ nhảy việc thấp.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn căng thẳng, giới chuyên gia cho rằng đang có sự dịch chuyển các công ty công nghệ của Trung Quốc vào Việt Nam nhằm lẩn tránh tổn thương từ thương chiến. Vấn đề đặt ra là liệu các DN công nghệ của Việt Nam có chịu áp lực cạnh tranh từ sự dịch chuyển này?

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết sự dịch chuyển của các công ty công nghệ Trung Quốc vừa mang lại mặt thuận lợi nhưng cũng có mặt khó khăn.

“Về mặt thuận lợi là họ vào đầu tư nhiều, mang theo công nghệ mới. Còn về mặt khó khăn thì các DN nội địa sẽ phải cạnh tranh với những vấn đề đó. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là bài toán bình thường của một thị trường chứ không có gì quá phức tạp. Vấn đề là làm sao chúng ta tận dụng được các thế mạnh của những nhà đầu tư Trung Quốc để phát triển thị trường. Đây là bài toán cần suy nghĩ sâu hơn”, ông Long nói.

Có thể thấy, lâu nay, Việt Nam chủ yếu vẫn được xếp ở cấp thấp trong chuỗi giá trị phần mềm toàn cầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực để bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành phần mềm.

Theo giới chuyên gia, môi trường cạnh tranh sẽ thúc đẩy các công ty công nghệ của Việt Nam mạnh lên. Còn hiện tại, hầu hết các DN phần mềm Việt Nam mới chỉ ở phân lớp 1 trên chuỗi giá trị phần mềm. Để đi lên các phân lớp trên, DN Việt phải tiếp tục cải thiện nhiều về trình độ kỹ thuật, năng lực sáng tạo, năng lực tổ chức và khả năng về vốn.