Còn nhiều doanh nghiệp đóng cửa

Theo Minh Chiến/nld.com.vn

Các chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh yếu tố cải cách chính sách trong việc thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 74.000 DN gia nhập và quay lại thị trường nhưng cũng có hơn 44.000 DN rút lui. Nguồn: Internet.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 74.000 DN gia nhập và quay lại thị trường nhưng cũng có hơn 44.000 DN rút lui. Nguồn: Internet.

Vào năm 2018, tổng số doanh nghiệp (DN) tư nhân đã đạt đến 700.000, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, hầu hết DN có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế. Vấn đề này đã được ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, đặt ra tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển DN, tổ chức ngày 18/6 ở Hà Nội.

Khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp

Theo ông Hùng, mức độ năng động của khu vực DN phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự chất lượng, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng thì chắc chắn DN sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ông Hùng dẫn chứng con số 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm để nhấn mạnh về môi trường kinh doanh đã được cải thiện.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Xuân Huế, đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng DN. Bà Huế nhấn mạnh đây là một trong những lý do khiến số lượng DN rút lui khỏi thị trường thời gian qua tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 74.000 DN gia nhập và quay lại thị trường nhưng cũng có hơn 44.000 DN rút lui.

"Nguyên nhân rút lui chủ yếu do DN ở nước ta phần lớn là nhỏ và vừa, năng lực nội tại còn yếu, chịu sức ép cạnh tranh dẫn tới sự thanh lọc và đào thải; một phần do cơ quan quản lý rà soát, loại bỏ các DN đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động" - bà Huế giải thích.

Theo bà Huế, ngành nghề có số lượng DN giải thể nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm 2019 là bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy; tiếp theo là các DN công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng có tỉ lệ DN giải thể cao. Trước thực trạng đó, bà Huế lo ngại mục tiêu đạt 1 triệu DN từ nay tới năm 2020 khó khả thi.

Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam, cũng lo lắng về môi trường kinh doanh và chính sách của Việt Nam chưa thật sự cởi mở, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN, đặc biệt trong bối cảnh mọi thứ đều đòi hỏi phải nhanh và thuận tiện.

"Khai tử" công nghệ lạc hậu

Các chuyên gia kinh tế tham gia diễn đàn đều nhấn mạnh yếu tố cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, cho rằng cần loại bỏ những trở ngại cho DN tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý thông qua việc ban hành Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân. Trong đó, khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên.