Công tác kế toán tại doanh nghiệp siêu nhỏ và một số lưu ý

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 6/2020

Doanh nghiệp siêu nhỏ đã, đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm và góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển. Triển khai Luật Kế toán 2015 của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã ban hành riêng một thông tư để giúp cho loại hình doanh nghiệp này dễ dàng nắm bắt triển khai, góp phần thực hiện quy định của pháp luật và phục vụ cung cấp thông tin cho các quyết định điều hành của doanh nghiệp.

Đặt vấn đề

Trong nhiều năm qua, hệ thống pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và công tác kế toán nói riêng tại các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ tuy được ban hành khá đồng bộ, đầy đủ, song việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực ngày 01/01/2018 và Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV thì các tiêu chí dùng để phân loại, xác định loại hình DN siêu nhỏ mới được quy định rõ ràng. Trong công tác kế toán, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ, qua đó giúp DN dễ dàng triển khai, góp phần thực hiện quy định của pháp luật và phục vụ cung cấp thông tin cho các quyết định điều hành của mình.

Công tác kế toán tại doanh nghiệp siêu nhỏ và một số lưu ý - Ảnh 1

Công tác tổ chức kế toán trong DN nói chung và DN siêu nhỏ nói riêng ngày càng quan trọng và cấp thiết, không chỉ quan trọng đối với chính DN mà còn là yêu cầu bắt buộc, công khai minh bạch các thông tin kế toán theo quy định của pháp luật. Do vậy, đòi hỏi đặt ra đối với chủ DN và người làm công tác kế toán là cần nắm rõ các quy định mới, từ đó tiến hành triển khai công tác tổ chức kế toán tại DN một cách phù hợp, hiệu quả và đúng pháp luật.

Công tác kế toán trong doanh nghiệp siêu nhỏ

Cùng với các loại hình DN khác trong nền kinh tế, DN siêu nhỏ đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế đất nước, đóng góp cho tăng trưởng, nộp thuế cho ngân sách nhà nước (NSNN), giải quyết công văn việc làm cho người lao động… Theo quy định hiện hành, tiêu chí để xác định DN siêu nhỏ được dựa trên số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tổng vốn hoặc tổng doanh thu năm trước liên kề. Bên cạnh đó, đối với từng ngành nghề nhất định sẽ có những yêu cầu riêng biệt. Cùng với các quy định này, các DN siêu nhỏ có thể lựa chọn cho mình cách thức tổ chức triển khai công tác kế toán phù hợp với mình, trong đó, nhà quản trị DN cần chú ý một số vấn đề sau:

Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán

Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mọi loại hình DN, trong đó DN siêu nhỏ cũng không phải ngoại lệ. Hoạt động này giúp việc vận hành DN được thông suốt thông qua việc cung cấp các thông tin kế toán hữu ích. Theo Thông tư số 132/2018/TT-BTC, các DN siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. Các DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ có thể tự tổ chức thực hiện công tác kế toán theo quy định tại Thông tư này.

Theo quy định hiện hành, việc bố trí người làm kế toán của DN siêu nhỏ phải đảm bảo không vi phạm quy định về trường hợp những người không được làm kế toán như: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật của người đứng đầu, giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ DN tư nhân, công ty TNHH do một cá nhân làm chủ sở hữu, DN thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là DN siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV…

Chứng từ kế toán

Theo Thông tư số 132/2018/TT-BTC, nội dung chứng từ kế toán, việc lập và ký chứng từ kế toán của DN siêu nhỏ thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Luật Kế toán và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này. Trong đó, cần lưu ý rằng, chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu như: Tên và số hiệu của chứng từ kế toán; Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán; Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ; Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán... Nội dung, hình thức hóa đơn, trình tự lập, quản lý và sử dụng hoá đơn (kể cả hóa đơn điện tử) thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

DN siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát (trừ hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ). Nếu DN siêu nhỏ không tự xây dựng được biểu mẫu chứng từ kế toán cho riêng đơn vị thì có thể áp dụng biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán hướng dẫn tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC. 

Sổ kế toán

Công tác kế toán tại doanh nghiệp siêu nhỏ và một số lưu ý - Ảnh 2

Nội dung sổ kế toán, hệ thống sổ kế toán, việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, lưu trữ sổ kế toán và sửa chữa sổ kế toán tại DN siêu nhỏ được thực hiện theo quy định tại Luật Kế toán và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này. DN siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát. Trường hợp DN siêu nhỏ không tự xây dựng được biểu mẫu sổ kế toán cho riêng đơn vị mình thì được áp dụng biểu mẫu và phương pháp ghi chép sổ kế toán hướng dẫn tại Thông tư này.

DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế áp dụng các sổ kế toán theo danh mục như Bảng 3.

Đối với DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phải mở các sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và các khoản thu nhập, các khoản thuế phải nộp nhà nước, các khoản tiền lương và các khoản trích theo lương... phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của DN với NSNN theo danh mục tại Bảng 4.

Lưu trữ, bảo quản tài liệu kế toán

Hiện nay, công tác lưu trữ, bảo quản tài liệu kế toán của các DN siêu nhỏ chưa thực sự tốt. Theo quy định hiện hành, chứng từ kế toán, sổ kế toán và các tài liệu kế toán khác phải lưu giữ tại DN để phục vụ cho ghi chép hàng ngày; xác định nghĩa vụ thuế của DN siêu nhỏ với NSNN và công tác kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu DN, của cơ quan thuế hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán của DN siêu nhỏ thực hiện theo quy định tại Luật Kế toán và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP. DN siêu nhỏ được lưu trữ chứng từ kế toán, sổ kế toán và các tài liệu kế toán khác trên phương tiện điện tử theo quy định của Luật Kế toán.

Báo cáo tài chính

BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh của DN siêu nhỏ, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ DN, cơ quan Nhà nước. BCTC cung cấp những thông tin của DN siêu nhỏ về các nội dung sau: Tình hình Tài sản; Nợ phải trả; Vốn chủ sở hữu; Các khoản doanh thu và thu nhập; Các khoản chi phí; Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh. Hàng năm, các DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp theo thu nhập tính thuế phải lập các BCTC và phụ biểu BCTC theo danh mục như Bảng 5.

Các DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế phải lập BCTC và các phụ biểu BCTC theo quy định. Đồng thời, gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN và cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính đồng thời phải được bảo quản, lưu trữ tại DN theo quy định của pháp luật kế toán để phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

Công tác kế toán tại doanh nghiệp siêu nhỏ và một số lưu ý - Ảnh 3

Đối với các DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập BCTC để nộp cho cơ quan thuế. DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thực hiện các báo cáo theo quy định của pháp luật thuế. Ngoài báo cáo theo quy định của pháp luật về thuế, căn cứ vào các thông tin về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tiền lương và các khoản nộp theo lương..., các DN siêu nhỏ có thể lập các báo cáo kế toán phục vụ cho quản trị, điều hành DN. Tuy nhiên, nếu DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nếu lựa chọn áp dụng chế độ kế toán quy định tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC để phục vụ cho nhu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì vẫn lập BCTC theo quy định.

Công tác kiểm tra, kiểm soát

Ở các DN siêu nhỏ Việt Nam có sự kiểm tra, kiểm soát ở các bộ phận kế toán trong quá trình tổ chức công tác kế toán. Tuy nhiên, sự kiểm tra, kiểm soát đó cũng không thể kiểm soát hết các sai sót, nhất là các DN tổ chức theo cách tách riêng bộ phận chứng từ vào máy và các bộ phận khai thác dữ liệu và kết xuất báo cáo hoặc DN không đủ tiềm lực xây dựng bộ máy kế toán nên phải thuê dịch vụ kế toán chất lượng kém. 

Một số lưu ý

Công tác kế toán tại doanh nghiệp siêu nhỏ và một số lưu ý - Ảnh 4

Để thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác kế toán, nhà quản trị DN cần nắm rõ một số vấn đề sau:

Một là, nắm rõ quy định và xác định đúng loại hình DN của mình. Cụ thể, cần nắm rõ tiêu chí để xác định DN siêu nhỏ, trong đó được dựa trên số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tổng vốn hoặc tổng doanh thu năm trước liên kề, đồng thời, với từng DN kinh doanh trong từng ngành nghề nhất định sẽ có những yêu cầu riêng. Việc xác định này rất quan trọng để thực hiện việc áp dụng các chế độ kế toán một cách phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Hai là, đối với các DN siêu nhỏ đang áp dụng theo chế độ kế toán cho DNNVV nếu chuyển sang áp dụng chế độ kế toán theo quy định đối với DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế thì phải thực hiện chuyển số dư các tài khoản kế toán. Chẳng hạn, số dư các TK 1331 - Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ, TK 1332 - Thuế GTGT được khấu trừ của TSCĐ được chuyển sang TK 1313- Thuế GTGT được khấu trừ; Số dư các TK 152 - Nguyên vật liệu, TK 153 - Công cụ, dụng cụ được chuyển sang TK 1521- Nguyên vật liệu, dụng cụ…

Ba là, DN siêu nhỏ có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán DNNVV ban hành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của DN. Các DN siêu nhỏ được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, DN siêu nhỏ phải áp dụng chế độ kế toán nhất quán trong một năm tài chính. Việc thay đổi chế độ kế toán áp dụng chỉ được thực hiện tại thời điểm đầu năm tài chính kế tiếp.

Bốn là, lựa chọn xây dựng tổ chức bộ máy và nhân sự kế toán phù hợp. Để xây dựng bộ máy kế toán phù hợp với hình thức tổ chức công tác kế toán khoa học và hợp lý trong DN nên căn cứ vào đặc điểm, quy trình hoạt động DN; phạm vi địa bàn hoạt động; hiệu quả của việc tổ chức mô hình bộ máy kế toán; mức độ phân cấp quản lý kinh tế nội bộ...

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám công tác tổ chức kế toán tại DN. Đây là nhiệm vụ thường xuyên mà loại hình DN nào, kể cả DN siêu nhỏ cũng phải thực hiện nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tránh những xử phạt do sai phạm trong quá trình tổ chức kế toán.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
2. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ;
3. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
4. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán năm 2015;
5. Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.