Covid-19 tạo sức ép chưa từng có cho ngành bán lẻ

Theo VOT/tinnhanhchungkhoan.vn

Dịch bệnh tạo ra rủi ro hệ thống, tác động lên toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ - vốn nằm ở khu vực hạ nguồn trong chuỗi giá trị.

Bán lẻ trong điều kiện bình thường đã là một ngành nghề kinh doanh khó khăn.
Bán lẻ trong điều kiện bình thường đã là một ngành nghề kinh doanh khó khăn.

Xu hướng tiêu dùng dịch chuyển mạnh

Làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 đang là mối lo ngại của toàn thế giới. Tại một số quốc gia như Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi, Mexico…, số ca mắc bệnh và qua đời vẫn liên tục gia tăng.

Ở trong nước, sau 99 ngày không có ca nhiễm mới, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố đã phát hiện trường hợp dương tính với dịch bệnh. Lệnh giãn cách xã hội đã được thực hiện với Đà Nẵng trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 28/7. 

Covid-19 được quan sát là khá giống với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khi có chiều hướng đi xuống vào mùa hè nhưng lại dữ dội vào khoảng thời gian tháng 9 - 10, dịch này đã gây ra cái chết cho 50 triệu người trong làn sóng thứ hai.

Nền kinh tế thế giới vẫn đang trong trạng thái suy thoái, các ngành nghề, doanh nghiệp nói chung đang phải vật lộn để tồn tại, thích nghi với sự thay đổi.

Trong và sau dịch bệnh, nhiều điều được cho là có khả năng thay đổi mãi mãi cách doanh nghiệp vận hành và cách người tiêu dùng chi tiêu.

Trong đó, ngành dịch vụ nói chung và bán lẻ nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ việc giãn cách xã hội khi phải tạm dừng tất cả các hoạt động.

Nguồn: Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thời điểm 7/4/2020.  
Nguồn: Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thời điểm 7/4/2020.  

Theo một số tờ báo nước ngoài, tính tới tháng 7/2020, đã có 40 nhà bán lẻ nộp đơn xin phá sản trong năm 2020 với công nợ lớn.

Khác với các cuộc suy thoái từng xảy ra trong thế kỷ 20, suy thoái từ đại dịch Covid-19 với sự xáo trộn trong sinh hoạt, chi tiêu.

Một số ngành nghề được chứng minh là “miễn dịch” trong giai đoạn trước như chăm sóc sức khỏe cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong dịch bệnh vừa qua.

Điều này tạo ra sự không chắc chắn (uncertainty) đối với việc dự báo tương lai dù là trong ngắn hạn, các kế hoạch kinh doanh đều đã phải thay đổi.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ phải cấu trúc lại bộ máy theo hướng phản hồi (response) tích cực với xu hướng tiêu dùng để mong tồn tại trước khi nghĩ tới cơ hội phục hồi so với thời điểm trước đại dịch.

Xu hướng tiêu dùng đã dịch chuyển sang các nhà bán lẻ không có thương hiệu, doanh nghiệp chiết khấu và các doanh nghiệp kinh doanh online.

Có rất nhiều “tay chơi” mới nổi nhờ không bị ảnh hưởng bởi việc tái cấu trúc bộ máy đã vươn lên mạnh mẽ nhờ nắm bắt được nhu cầu sau giai đoạn “bình thường mới”.

Báo cáo của Deloitte mới đây đưa ra nhận định các xu hướng tiềm năng sắp tới có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp bán lẻ.

Đó là, sự kết hợp sản phẩm có thể thay đổi và các nhà bán lẻ cần liên kết với các đối tác khác để nắm bắt kịp nhu cầu; sự phản ứng của bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ được định nghĩa bởi kỳ vọng về vấn đề an toàn, sức khỏe; nhu cầu cho sự tiện lợi sẽ theo hướng “không có sự tiếp xúc”.

Bán lẻ truyền thống sẽ bị thách thức và ngành dịch vụ bán lẻ sẽ rất khác khi đối mặt với cuộc suy thoái này.

Sự khó khăn khiến các doanh nghiệp bộc lộ những yếu kém nội tại sớm hơn như công nghệ thông tin, quy trình, nguồn nhân lực… song song với việc phải giải quyết nhu cầu sụt giảm trong sức mua vì người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn việc chi tiêu, gia tăng tỷ trọng tiết kiệm.

Dịch bệnh tạo ra rủi ro hệ thống tác động lên toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ nằm ở khu vực hạ nguồn trong chuỗi giá trị, họ có rất ít quyền lực cứng để thương lượng với các nhà cung cấp, ngoại trừ các các tập đoàn bán lẻ lớn.

Sự khó khăn của nhà cung cấp khiến họ phải nâng giá bán và nếu không có nguồn cung nào khác tốt hơn, doanh nghiệp bán lẻ phải chấp nhận để giảm bớt lợi nhuận xuống.

Cấu trúc lại cách làm việc trong nội bộ, các quy trình cần cắt giảm bớt việc tụ tập, tiếp xúc, chuyển sang dùng các công cụ online như họp trực tuyến, linh hoạt cắt giảm bớt thời gian làm việc hoặc dịch chuyển giữa các bộ phận nếu có thể.

Doanh nghiệp nào đã chuyển đổi số trước giai đoạn dịch cũng là một lợi thế cho quá trình xử lý kinh doanh nhanh và tinh gọn hơn.

Từ trước tới nay, chỉ đơn giản là khách hàng cảm thấy được sự tiện lợi khi mua hàng tại doanh nghiệp, nhưng hiện tại, khái niệm về sự tiện lợi có thể bị thay đổi cho dù đó là sự đa dạng, vị trí hay dịch vụ khách hàng.

Điều này có khả năng tạo ra sự “dịch chuyển” trong niềm tin của người tiêu dùng. Giao tiếp với khách hàng cũng sẽ phải tăng cường qua các nội dung số.

Để trụ được, nhà bán lẻ phải “thông minh” hơn

Khó khăn đang bao trùm, nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất và không phải các nhà bán lẻ nào cũng gặp khó khăn như nhau.

Trên thế giới, có 150 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 20 loại đang thử nghiệm trên người tính tới tháng 7/2020, nhưng ngành bán lẻ nói riêng và các ngành nghề khác nói chung không thể thụ động chờ đợi thông tin này, họ cần những chiến lược chủ động để không trôi theo dòng nước.

Thời gian qua, giới đầu tư quốc tế chứng kiến diễn biến giá cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ lớn trong xu hướng tăng như Walmart, Costco, Kroger, Target… Điểm chung đầu tiên đây đều là các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu.

Điểm chung tiếp theo đây đều là các tập đoàn nắm bắt xu thế tốt, cung cấp đủ hàng hóa tới các kênh để có thể đáp ứng người tiêu dùng, không ngừng tuyên truyền các thông điệp an toàn tới nhân viên, khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan khác.

Đây được gọi là xu hướng “New Retail” mà các doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng và hướng tới “hành trình khách hàng” xuyên suốt các điểm mà khách hàng đã hoặc có khả năng tiếp xúc.

Khái niệm này mở ra rất nhiều công việc mà các nhà bán lẻ phải thực hiện, tuy nhiên nó vẫn xoay quanh triết lý của bán lẻ là đặt khách hàng làm trọng tâm.

Giai đoạn hiện tại và sắp tới, một nhà bán lẻ thành công sẽ là doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt nhất mà còn phải nhanh nhất. Mặc dù bản chất vẫn là bán lẻ, nhưng tùy theo sản phẩm kinh doanh và nội lực sẵn có của doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng “vượt khó” của doanh nghiệp đó.

Thực phẩm thuộc nhu cầu thiết yếu nhất của con người, kể cả trong đại dịch nhưng cũng không ít trở ngại để xây dựng được một doanh nghiệp bán lẻ bền vững trong lĩnh vực này. Như đã phân tích các khó khăn kể trên, các khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ nhìn trên góc độ thực trạng của thị trường Việt Nam sẽ được giải quyết theo các hướng chính như sau:

Tư duy làm bán lẻ của các tập đoàn lớn ở nước ngoài là tư duy trên toàn chuỗi. Để giải quyết vấn đề thiếu chắc chắn trên toàn chuỗi, cần gắn kết được khâu sản xuất với phân phối hàng hóa, cải thiện dần quá trình này giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới sự bền vững của toàn bộ chuỗi.

Khi càng dịch chuyển được “sự thông minh” của ban lãnh đạo vào sản phẩm của doanh nghiệp, tức giá trị gia tăng tích lũy trong sản phẩm nói chung cao, mức độ ổn định cũng sẽ cao hơn.

Vì đặc thù vận hành của ngành bán lẻ cần phải liên tục nghĩ ra những biện pháp để tối ưu hàng ngày, khi những giải pháp đó chuẩn hóa thành quy trình và tích lũy được vào trong sản phẩm thì vấn đề về thời gian chấp nhận của khách hàng sẽ được rút ngắn lại.

Quá trình gắn kết thương hiệu của sản phẩm với thương hiệu của nhà bán lẻ sẽ hiệu quả hơn. Khi “sự thông minh” còn nằm trên ý tưởng hoặc đang triển khai thì nhà đầu tư cũng cần suy ngẫm kỹ về sự khó khăn trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, họ đang ở trong giai đoạn nào, cần giải quyết những vấn đề cụ thể ra sao để hiểu được mức độ rủi ro mà nhà đầu tư phải chấp nhận khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Bán lẻ trong điều kiện bình thường đã là một ngành nghề kinh doanh khó khăn. Trong đại dịch, sự khó khăn này gia tăng, tạo ra những thách thức, cơ hội to lớn và không đồng đều giữa các doanh nghiệp.

Trong điều kiện càng áp lực, các nhà quản lý càng phải “trở nên thông minh hơn” và quan trọng là biết đặt sự thông minh đó đúng chỗ, đúng thời điểm.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng” vẫn là nguyên tắc trong kinh doanh nói riêng và cuộc sống nói chung. Các nhà đầu tư cũng cần sự tỉnh táo và xem xét đúng hiện trạng khoản đầu tư của mình, hiểu đúng tình trạng thực tế của doanh nghiệp và đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ vượt qua được những cơn mưa bão trong cả trường hợp xấu nhất.