Đã tiên lượng nhưng vẫn gặp khó

Theo Tích Chu/ Báo Sóc Trăng

Chuyện người dân từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Sóc Trăng và có thể trở thành F0; chuyện một “vùng xanh” xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2 đã gây không ít áp lực và nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và khả năng phục hồi kinh tế của tỉnh Sóc Trăng.

Doanh nghiệp ngành tôm lại gặp khó vì COVID-19. Ảnh: Tích chu
Doanh nghiệp ngành tôm lại gặp khó vì COVID-19. Ảnh: Tích chu

Từ đầu tháng 10, dòng người lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp miền Đông tự phát hồi hương gây nên tình trạng quá tải các khu cách ly, đi kèm theo đó là một số ca F0 mới. Trong khi hệ thống phòng, chống dịch đang căng sức lo cho số lao động hồi hương thì đến ngày 4/10, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng công bố phát hiện một ổ dịch mới phát sinh tại một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở huyện Trần Đề. Đây mới chính là điều khiến các doanh nghiệp ngành tôm trong tỉnh lo lắng nhất, bởi tất cả chỉ vừa mới phục hồi sản xuất và đang chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các đơn hàng cuối năm.

Chuyện có ca dương tính với SARS-CoV-2 trong nhà máy là điều đã được tiên lượng trước dù các doanh nghiệp đều đã kích hoạt công tác y tế tại chỗ để phòng, chống dịch lên mức cao nhất. Giám đốc một doanh nghiệp ngành tôm của tỉnh từng lo lắng: “Dù doanh nghiệp có làm tốt cỡ nào đi chăng nữa thì việc xuất hiện F0 vẫn có thể xảy ra, bởi doanh nghiệp chỉ có thể quản lý người lao động trong nhà máy, văn phòng, còn khi họ về đến nhà thì mọi thứ sẽ ngoài tầm kiểm soát”.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, do đặc điểm lao động ngành tôm sinh sống đan xen nhau và trong một gia đình có thể có nhiều người làm việc ở các doanh nghiệp khác nhau, nên khi có ca dương tính tại một nhà máy chế biến thủy sản, các doanh nghiệp khác cũng đồng loạt rà soát, kiểm tra lại đội ngũ lao động cùng thân nhân của họ và kiểm tra y tế ngay để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Theo ghi nhận của người viết, sau khi có thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng về các ca dương tính có liên quan đến một doanh nghiệp thủy sản, các doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng kiểm tra y tế cho đội ngũ lao động sinh sống tại các địa phương liên quan đến các ca dương tính. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, bình quân mỗi lao động được kiểm tra ít nhất 3 lần, nên chi phí vì thế cũng tăng lên, vì mỗi doanh nghiệp ngành tôm ít thì vài trăm, nhiều đến vài ngàn lao động.

Khi trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, mỗi ngày công ty làm xét nghiệm RT-PCR cho khoảng 20% lao động, nhằm phát hiện sớm tránh phát sinh ổ dịch lớn. Không chỉ có chi phí tăng mà tâm lý của người lao động cũng không được yên tâm, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ dịch bệnh nên ít nhiều ảnh hưởng đến công suất và chất lượng sản phẩm.

Ngoài lo lắng về số lao động hồi hương từ các tỉnh, thành công nghiệp và ổ dịch mới xuất hiện tại một doanh nghiệp thủy sản, các doanh nghiệp ngành tôm còn nâng cao cảnh giác dịch bệnh đối với công nhân vừa trở lại sau kỳ nghỉ lễ Sene Đôn Ta cổ truyền của đồng bào Khmer. 

Liên quan đến vấn đề lao động, các doanh nghiệp cho biết sau khi xuất hiện ổ dịch mới và người hồi hương số lượng lớn, việc đi lại giữa các vùng bị hạn chế, nên một số lao động không còn được đi làm bằng xe gắn máy như trước đây.

Phương án “một cung đường, hai điểm đến” trong đưa đón công nhân và “3 tại chỗ” tiếp tục được duy trì khiến doanh nghiệp cũng có đôi phần khó khăn. Không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, các trường hợp trên còn tác động không nhỏ đến người nuôi tôm, điển hình nhất là giá tôm quay đầu giảm trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giá tôm giảm trong thời gian gần đây chỉ là nhất thời và chủ yếu đến từ việc thiếu lao động trong kỳ nghỉ lễ Sene Đôn Ta. Ông Phục trấn an: “Hiện nay, mùa tôm đang vào cuối vụ, lượng tôm không còn nhiều trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp lại cao nên sau kỳ nghỉ lễ Sene Đôn Ta, giá tôm sẽ tăng trở lại”.

Cũng theo các doanh nghiệp, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là làm sao sớm khống chế được ổ dịch và quản lý tốt người hồi hương để việc phục hồi kinh tế được thuận lợi và mang lại kết quả cao.