Đại lý ô tô kêu trời vì hàng tồn

Theo

Các đại lý ô tô chịu nhiều áp lực về tài chính nên đua nhau "đạp" giá để thu hồi vốn, dẫn đến lỗ là điều khó tránh khỏi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán xe của các doanh nghiệp thành viên tính đến hết tháng 7/2019 đạt 180.940 chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ô tô du lịch tăng 35%.

Cũng trong thời gian này, Việt Nam nhập khẩu tới 86.969 ôtô nguyên chiếc các loại, gấp gần 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 63.063 chiếc, gấp 5 lần cùng kỳ.

Với những số liệu tăng trưởng, nhiều người nhìn vào đều sẽ nghĩ thị trường ô tô Việt Nam đang rất sôi động, các doanh nghiệp, đại lý ăn nên làm ra. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều đại lý, showroom ôtô đều than lỗ vì lượng bán ra ít hơn số xe nhập vào dẫn đến tồn kho lớn. Chưa kể, giá ô tô nhập khẩu ngày càng rẻ nên nhiều xe nhận về từ năm ngoái đến nay vẫn chưa bán được nên phải hạ giá, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng cao, đại lý càng "ôm" sẽ càng lỗ.

Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) với khoảng 50 đại lý bán lẻ ôtô của các hãng như Toyota, Ford, Honda, Isuzu, Volvo… chiếm gần 20% thị phần cả nước nhưng lợi nhuận quý II/2019 vừa qua của doanh nghiệp này lại giảm tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 20 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng gấp 2 lần lên hơn 35 tỷ đồng mà chủ yếu là chi phí lãi vay với gần 31 tỷ đồng.

Theo Savico, nguyên nhân chủ yếu do lượng lớn hàng tồn kho phải dự trữ, đẩy dư nợ vay tăng, cùng với đó là lãi suất năm nay cao hơn năm ngoái cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 29% và 20% khi các đơn vị mới thành lập, phát sinh chi phí nhưng hoạt động chưa có hiệu quả. Nhiều đơn vị trong hệ thống của Savico thậm chí thua lỗ do phải tiến hành trích lập dự phòng lỗ cho các khoản đầu tư theo quy định, hàng tồn kho lớn.

Nhiều đại lý ôtô trông chờ vào mảng bảo hành, sửa chữa thay vì dựa vào doanh số bán xe như trước
Nhiều đại lý ôtô trông chờ vào mảng bảo hành, sửa chữa thay vì dựa vào doanh số bán xe như trước
 

Tương tự, Công ty CP City Auto, đơn vị phân phối ôtô lớn nhất của Ford Việt Nam, cũng thông báo lượng hàng tồn kho tính đến cuối tháng 6 của doanh nghiệp này lên tới hơn 400 t đồng, gấp đôi số liệu đầu năm. Điều này làm lãi vay chỉ riêng quý II của Công ty CP City Auto đã tăng thêm đến hơn 11 tỷ đồng.

Hay Công ty CP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco), dẫn đầu về thị phần phân phối xe Mercedes Benz tại Việt Nam nhưng chỉ thoát lỗ trong quý II/2019 nhờ 48 tỷ đồng tiền thưởng đạt chỉ tiêu bán hàng và hỗ trợ từ hãng. Sáu tháng đầu năm, Haxaco lỗ thuần gần 10 tỷ đồng sau khi trừ giá vốn, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Nhờ tiền thưởng hỗ trợ của Mercedes Benz nên hãng phân phối này chuyển lỗ thành lãi gần 30 tỷ đồng nhưng chỉ hoàn thành chưa đến 25% kế hoạch cả năm.

Ông Trần Thanh Hùng, chủ đại lý ôtô ở quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, cho biết ngoài việc lượng xe tồn còn do áp lực từ tài chính được xem là mấu chốt dẫn đến lỗ của đại lý. Vì các hãng xe không cho đại lý gối đầu (bán trước trả tiền sau) mà chỉ bán ôtô theo kiểu mua đứt bán đoạn, tức khi nhập lô xe nào thì đại lý phải thanh toán dứt điểm cho hãng. Nếu sau một năm, đại lý vẫn không thể tiêu thụ hết số xe đã nhập sẽ được hãng hỗ trợ về giá hay thu hồi.

"Các đại lý hoạt động dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Những đại lý lớn mỗi tháng nhập về khoảng 100 ôtô (đại lý nhỏ cũng vài chục chiếc), trung bình mỗi xe trị giá khoảng 800 triệu đồng thì cần nguồn vốn vay lên đến 80 tỷ đồng, chưa kể các loại chi chí khác cũng cả trăm tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng phần lãi ngân hàng, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả tới cả tỷ đồng. Do đó, buộc đại lý phải tìm mọi cách để bán hàng, mà hiệu quả nhất là giảm giá, tặng quà. Tuy nhiên, xe tồn càng lâu càng lỗ nên dù mỗi xe bán ra đại lý lỗ từ 20-30 triệu đồng cũng phải bán để trả nợ ngân hàng" - ông Hùng giải thích.

Theo ông Phạm Ngọc Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến Thành ô tô, chính vì các đại lý chịu nhiều áp lực về tài chính nên đua nhau "đạp" giá để thu hồi vốn, dẫn đến lỗ là điều khó tránh khỏi. Sở dĩ các đại lý vẫn hoạt động được là nhờ vào dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, bán phụ tùng cho khách hàng.

Giảm ít sẽ không ai mua

Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường ôtô hiện nay, mức giảm 20-30 triệu đồng đã không còn hấp dẫn được khách hàng, đặc biệt do đang trong tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng cô hồn, khách hàng thưa thớt nên các hãng và đại lý chấp nhận lỗ, đưa mức phổ biến 40-80 triệu đồng, thậm chí có mẫu giảm cả trăm triệu đồng nhằm sớm giải quyết hàng tồn kho, trang trải chi phí phát sinh.

Cụ thể, Toyota đang giảm giá đến 60-80 triệu đồng cho khách mua xe Corolla Altis, giảm 50-60 triệu đồng cho Vios, mẫu xe bán chạy nhất của hãng trong tháng 7 và giảm 40 triệu đồng cho khách mua xe Toyota Wigo. Tương tự, hãng Honda Việt Nam đang giảm tới 70 triệu đồng cho xe Honda Civic và 40-59 triệu đồng cho Honda City tùy phiên bản.

Những mẫu xe khác đang có mức giảm lớn như Mazda CX-5 phiên bản cũ ưu đãi lên tới 100 triệu đồng (trong đó, tiền mặt 50 triệu đồng, còn lại là gói bảo dưỡng 3 năm trị giá 21 triệu đồng, bộ phụ kiện trị giá 29 triệu đồng). Chevrolet Trailblazer giảm đến 100 triệu đồng, Mitsubishi Pajero Sport phiên bản diesel giảm 92,5 triệu đồng…