Đầu tư trọng điểm, hỗ trợ trọng tâm

Theo Mỹ Hoa/Báo Quảng Ngãi

Dịch COVID-19 không chỉ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng các mặt hàng thủy sản, mà còn cho thấy những lỗ hổng trong việc đầu tư và quản lý. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức khai thác, chế biến thủy sản thích ứng an toàn, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng 22/10, chính quyền các địa phương, ngư dân và doanh nghiệp (DN) mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành trung ương thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Khi dịch bùng phát, sản phẩm tồn đọng, giá bán giảm 15 - 20% khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: M.H
Khi dịch bùng phát, sản phẩm tồn đọng, giá bán giảm 15 - 20% khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: M.H

Đứt gãy chuỗi cung ứng thủy, hải sản

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động khai thác và chế biến, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thủy, hải sản. Chỉ trong 3 tháng (7 - 9/2021), đã có 43.200 tàu dừng hoạt động, dẫn đến sản lượng khai thác giảm 186 nghìn tấn. Trong khi đó, hàng loạt cảng cá, DN thu mua và chế biến hải sản đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19 kéo theo hàng trăm nghìn tấn hải sản khai thác bị tồn đọng.

Đến thời điểm này, khi cả nước có 62/66 cảng cá mở cửa; các DN thu mua, chế biến thủy sản cũng khôi phục hoạt động thì lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, vì nhiều ngư dân không có điều kiện vươn khơi. “

Phần vì bước vào mùa mưa bão, phần do giá nhiên liệu và phí vận chuyển tăng quá cao, trong khi giá bán sản phẩm hiện vẫn giảm 15 - 20%. Hơn nữa, hiện chỉ có 25% trong số 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá được tiêm vắc xin (mũi 1) phòng COVID-19, nên chưa đáp ứng các điều kiện tham gia sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng lý giải.

Tại Quảng Ngãi, hiện có 4.766 phương tiện tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia hoạt động khai thác hải sản, 23 DN thu mua và chế biến thủy sản, với sản lượng chế biến 9 tháng đầu năm đạt gần 8.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 17 triệu USD.

Song, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cao, riêng giá dầu diesel tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020, cũng là một trong những rào cản đối với ngành khai thác và chế biến thủy sản.

Tháo gỡ những nút thắt

Để đưa chuỗi hoạt động khai thác và chế biến thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các tỉnh, thành phố trong cả nước kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ những nút thắt trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đề nghị, Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các cảng cá tại các địa phương có thế mạnh phát triển ngành thủy sản. Như Quảng Ngãi, dù dẫn đầu cả nước về đội tàu lẫn sản lượng khai thác hải sản, nhưng cả 5 cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền đều chưa đáp ứng các yêu cầu của cảng cá loại 2. Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất, vì phải “neo nhờ ở tạm”, mà còn kéo theo dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương kém phát triển.

Các DN thu mua và chế biến thủy sản, thì kiến nghị Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, tránh dàn trải. Lâu nay, hầu hết các chính sách đều tập trung nguồn lực cho ngư dân đóng mới, hoặc nâng cấp tàu cá, nhưng lại lỏng lẻo khâu “tiền kiểm năng lực, hậu kiểm hiệu quả”. Đây chính là nguyên nhân khiến số lượng tàu “tăng nóng”, dẫn đến tình trạng thừa tàu, thiếu lao động. Trong khi đó, các chủ vựa - đầu mối cung cấp vật tư phục vụ sản xuất, cũng là nhà phân phối sản phẩm của ngư dân đến DN, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, DN cũng kiến nghị nhà nước tạo hành lang pháp lý trong việc đầu tư, liên kết sử dụng kho lạnh chuyên dùng, nhằm phát huy tối đa hiệu quả và công năng. Tránh tình trạng “nơi thừa, chỗ thiếu” như trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát vừa qua. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngành thủy sản sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, chính quyền các địa phương cần xây dựng, ban hành các tiêu chí khai thác, chế biến thủy sản thích ứng an toàn với dịch COVID-19 tiệm cận với quy định của trung ương, thống nhất thực hiện giữa các địa phương, nhất là hoạt động của các cảng cá và vận chuyển. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện những dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, tái cơ cấu đội tàu và chế biến thủy sản giai đoạn “hậu COVID-19” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.