Tỉnh Đắk Lắk:

Đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ

PV. (T/h)

Đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực KHCN, đa ngành, đa lĩnh vực, có đủ khả năng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng Tây Nguyên.

Doanh nghiệp tham gia một hội thảo chuyển đổi số do UBND tỉnh tổ chức. (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp tham gia một hội thảo chuyển đổi số do UBND tỉnh tổ chức. (Ảnh minh họa)

Ngày 13/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nghị quyết số 07-NQ/TU nêu rõ, KHCN đóng vai trò cung cấp các luận cứ, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn trong hoạch định chính sách, chuyển đổi mô hình kinh tế phục vụ phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và quản lý phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. KHCN đổi mới sáng tạo phải thực sự trở thành động lực mạnh mẽ chính cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực KHCN, đa ngành, đa lĩnh vực, có đủ khả năng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng Tây Nguyên.

Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng GRDP đạt ít nhất 38%, kinh tế số chiếm 20% GRDP. Đẩy mạnh hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, số văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ tăng 1,5 lần, ít nhất 30 sản phẩm thuộc đối tượng sản phẩm OCOP được xây dựng tiêu chuẩn và bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có ít nhất 5 bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.

Khuyến khích hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục đầu tư phát triển 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tại huyện Cư M'gar và TP. Buôn Ma Thuột); trung tâm ươm tạo tại các nơi có điều kiện, hình thành mới 5 doanh nghiệp KHCN.

Nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh lên cấp độ 3/7 (hệ sinh thái đang phát triển); duy trì và phát triển Công ty CP Vườn ươm doanh nghiệp; Quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk vào hoạt động.

100% cơ quan quản lý nhà nước ở cấp huyện, cấp tỉnh duy trì áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015; thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý…