Tỉnh Đồng Tháp:

Đẩy mạnh hoạt động khôi phục kinh tế và giải ngân vốn đầu tư công

Theo MN/Báo Đồng Tháp

Theo thống kê đến hết tháng 10/2021, tỉnh Đồng Tháp có 248/431 doanh nghiệp (công nghiệp) đã phục hồi sản xuất với trên 42.000 lao động; 165/182 chợ, 52/53 cửa hàng tiện lợi, 8/8 siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động trở lại, đạt 93%. Giải ngân vốn đầu tư công được 1.580,809 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch.

Hoa kiểng được xem là thế mạnh trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trang Huỳnh
Hoa kiểng được xem là thế mạnh trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trang Huỳnh

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong tháng vừa qua, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp  đã có nhiều dấu hiệu lạc quan.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì, vượt kế hoạch; hoạt động công nghiệp, dịch vụ đã dần phục hồi. Cụ thể, đến nay đã có 248/431 doanh nghiệp (công nghiệp) đã phục hồi sản xuất với trên 42.000 lao động, công suất đạt 60%; 165/182 chợ, 52/53 cửa hàng tiện lợi, 8/8 siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động trở lại, đạt 93%.

Về đầu tư công, đến nay đã giải ngân được 1.580,809 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch. Dấu hiệu lạc quan là hiện nay hầu hết các dự án đầu tư công đều đang khởi động lại, khả năng đến cuối năm sẽ hoàn thành tiến độ giải ngân theo kế hoạch phân bổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực khôi phục kinh tế và phòng, chống dịch của các ngành, địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các địa phương không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa khôi phục kinh tế".

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đào tạo lao động, cụ thể hoá các kết luận của Tỉnh uỷ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất những tháng cuối năm.