Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa

Theo Mai Hương/Báo Long An

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ đầu ra cho hàng hóa, nông sản, Sở Công Thương tỉnh Long An tích cực triển khai, thực hiện công tác xúc tiến thương mại (XTTM), mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua kết nối trực tiếp và thương mại điện tử.

Sản phẩm, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm được Sở Công Thương, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức bán giá bình ổn cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hương
Sản phẩm, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm được Sở Công Thương, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức bán giá bình ổn cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hương

Đẩy mạnh kết nối

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường trong nước nhiều chợ, doanh nghiệp (DN), cửa hàng,... dừng hoạt động. Hàng hóa lưu thông khó khăn kể cả trong nội tỉnh; sức mua thấp; thị trường xuất khẩu khó khăn, Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long;...

Trong khi đó, nhiều nông sản thu hoạch rộ với sản lượng lớn khó tiêu thụ ngay. Sức mua thường tập trung vào một số nhóm hàng cần thiết cho sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày như gạo, trứng, rau, củ; còn lại các nhóm hàng khác tiêu thụ chậm hoặc khó tiêu thụ. Sở Công Thương tỉnh Long An đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - Châu Thị Lệ cho biết, Sở nhanh chóng thông báo tình hình, cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Bộ Công Thương, tham tán thương mại tại các nước, các tỉnh, thành phố, hiệp hội, DN để kết nối tiêu thụ; đồng thời, giới thiệu DN Long An tham gia bình ổn thị trường các tỉnh, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Hội.

Qua đó, nhiều DN, hợp tác xã (HTX) cung cấp sản phẩm giá bình ổn đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước như Công ty (Cty) TNHH Dương Vũ, Cty Lương thực Long An, Cty Lương thực Thực phẩm Long An, HTX Mỹ Thạnh, hộ kinh doanh tại huyện Tân Trụ,... Sở nhanh chóng chuyển các hoạt động XTTM sang hình thức thương mại điện tử (TMĐT), kết nối trực tuyến; phát huy tối đa group Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội DN Long An, Zalo Đồng hương Long An,... để quảng bá, kết nối tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT.

Đến nay, nhiều nông sản của tỉnh tham gia sàn Postmart, Lazada, Sendo,... Sở Công Thương tỉnh Long An phối hợp các sàn TMĐT, DN, HTX cung ứng hàng hóa qua sàn thực hiện đóng hàng tại kho DN, HTX; đang triển khai hỗ trợ các sản phẩm như gạo, thanh long, chanh, chuối tham gia sàn xuất khẩu Alibaba. Sở Công Thương cũng kết nối các hộ dân với các DN, HTX trong tỉnh như hệ thống Co.op Mart, Cty TNHH San Hà, Bách Hóa Xanh, Bưu điện Long An, HTX Mỹ Thạnh, Hiệp hội Thanh long Long An,... để tiêu thụ hàng hóa, nông sản.

Theo đó, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, tỉnh đã hỗ trợ trên 300 lượt DN tham gia các hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu, giao thương trực tuyến (nông sản, sản phẩm chế biến, gạo, thanh long). Qua đó, DN tìm hiểu các thị trường Anh, Maroc, Ấn Độ, Hà Lan, Pakistan. Đặc biệt, Sở đã hỗ trợ cung ứng hàng hóa trên 200 lượt điểm bán hàng bình ổn giá, góp phần cung ứng hàng hóa thiết yếu với giá bình ổn cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với tổng lượng hàng cung ứng khoảng 700 tấn, doanh thu trên 14 tỉ đồng.

Đã có hơn 250 tấn khoai lang, 60 tấn rau, củ các loại, trên 10 tấn ổi, 20 tấn thanh long, 10 tấn tôm, 5 tấn cá lóc, 2 tấn bưởi và một số nông sản khác được kết nối trực tiếp tiêu thụ. Viettel Post cũng tham gia tiêu thụ khoảng 30 tấn hàng hóa, hàng ngàn combo. Bưu điện tiêu thụ khoảng 1.000 tấn hàng hóa, nông sản, gạo.

Đổi mới trong phương thức tổ chức

Hiện nay, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại Long An, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, vì vậy lương thực, thực phẩm, nhất là nông sản vẫn được Sở Công Thương ưu tiên kết nối. Theo đó, Sở đang phối hợp Cty Cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (Saigontel) và Cty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm cho TP. Hồ Chí Minh. 5 nhóm sản phẩm được tập trung gồm: Gạo; rau, củ, quả; thanh long; thủy sản (tôm, ếch); gia cầm. Hàng hóa được DN, HTX tại Long An cung cấp với giá bình ổn, Saigontel và SPT hỗ trợ chi phí vận chuyển cung ứng hàng hóa đến người dân TP. Hồ Chí Minh.

Theo bà Châu Thị Lệ, phát huy những kết quả khả quan trong việc kết nối cung - cầu, các chương trình này sẽ được Sở Công Thương tiếp tục duy trì, cải tiến và không ngừng sáng tạo trong phương thức tổ chức để ngày càng hỗ trợ DN, HTX hiệu quả hơn. Đặc biệt, công tác XTTM và kết nối cung - cầu sẽ chuyển trọng tâm từ xúc tiến truyền thống sang XTTM hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển TMĐT, chuyển từ XTTM trực tiếp sang trực tuyến. Sở chú trọng tập trung vào tổ chức, tham gia kết nối các hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu, giao thương trực tuyến; tham gia hội chợ trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng và tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng như sàn TMĐT bán sỉ Alibaba.com, tham gia xúc tiến và bán hàng qua các trang TMĐT lớn của Việt Nam như Shopee, Sendo, Tiki, Lazada, Voso, Postmart.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Long An , các chương trình XTTM, kết nối cung cầu và TMĐT được cộng đồng DN nhỏ và vừa hưởng ứng nhiệt tình, đánh giá cao về phương pháp tiếp cận cũng như hiệu quả chính sách hỗ trợ đem lại. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận DN chưa đầu tư và dành nhiều nguồn lực cho công tác XTTM, mở rộng thị trường tiêu thụ, hạn chế về thiết kế bao bì, nhãn hiệu... Sở Công Thương tỉnh Long An sẽ tìm hiểu, hỗ trợ DN thông qua chương trình như khuyến công, XTTM,... nhằm giúp DN có sản phẩm chất lượng, giá trị sử dụng cao, kết nối tiêu thụ trong các kênh phân phối hiện đại để phát triển bền vững.