Để nông sản Việt chinh phục thị trường Bắc Âu

Theo Hân Nguyễn/dangcongsan.vn

Nông sản Việt Nam vào EU chỉ từ 4-5% trong tổng số 160 tỷ USD nhập khẩu của thị trường này do các quy định khắt khe của EU về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam đang thiếu thương hiệu lớn, chưa có sự xuất hiện thường xuyên, định kỳ của doanh nghiệp Việt để nắm bắt thị trường, các biến động về chính sách, hàng rào kỹ thuật.

Chiều 15/9, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan, các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế.

Diễn đàn được tổ chức với 3 điểm cầu chính tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp; Báo Nông nghiệp Việt Nam và Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam. Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham dự trực tuyến của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động nằm trong khuôn khổ AgroViet 2022.

 Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tại Diễn đàn.
 Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, khu vực Bắc Âu và Hà Lan mặc dù dân số không lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này rất ấn tượng, nhất là với các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây, hạt điều. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Chia sẻ thông tin về thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, khu vực Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland. Đây là những nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở và hiện đại. Dân số tuy ít nhưng có mức thu nhập cao.

Trong khối EU, các doanh nghiệp Việt mới chỉ tập trung khai thác tại thị trường Tây Âu truyền thống và còn “bỏ ngỏ” tiềm năng thị trường Bắc Âu khá lớn. Các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường, do vậy những vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh và xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững đang là chủ đề nóng tại khu vực Bắc Âu. Điều này ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết thêm, người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt. Bởi vậy, các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng protein cao, có thể thay thế thịt rất dễ dàng được đón nhận.

Khách hàng Hà Lan tìm hiểu thông tin nông sản Việt tại AgroViet 2022. 
Khách hàng Hà Lan tìm hiểu thông tin nông sản Việt tại AgroViet 2022. 

Từ thực tiễn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt chia sẻ, doanh nghiệp đã sản xuất được hạt tiêu hữu cơ đạt chuẩn EU. Tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp đã tham dự hội chợ tại Hà Lan, đã giao tiếp với nhiều doanh nghiệp tại nước này.

Doanh nghiệp nhận thấy thị trường Bắc Âu nói riêng và EU nói chung, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Vì thế, doanh nghiệp rất cần tư vấn về kỹ thuật, nâng cao năng suất nhà máy. Cùng với đó, giải pháp rất cần thiết hiện nay là có nhiều hội chợ quốc tế để kết nối bên mua – bên bán. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đến đích nhanh hơn, tiết kiệm chi phí.

"Thị trường Bắc Âu ở xa, sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, làm giảm sức cạnh tranh. Tiêu chuẩn khắt khe đến mức không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Tuy nhiên, với thị trường hồ tiêu trị giá 4 triệu USD thì cũng là điều đáng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia. Rất mong Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển hỗ trợ thông tin", bà Lê Thị Hoài Thương kiến nghị.

Là doanh nghiệp tại Hà Lan, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC chia sẻ, muốn đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, thực hiện nhiều bước để quảng bá thương hiệu nông sản để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản đó.

Bên cạnh việc đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, các doanh nghiệp cần tạo dựng niềm tin với khách hàng, nắm bắt được văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đối tác tại Hà Lan. Trước mắt, trong ngắn hạn, doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào các mặt hàng giá trị cao cũng như giữ vững thương hiệu.

Tham gia diễn đàn, ông Trần Phong Lan, đại diện Công ty DannyGreen mong muốn sản phẩm trái cây hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của công ty có cơ hội hợp tác vào thị trường Bắc Âu. Đã có thương hiệu trên thị trường hơn 10 năm, sản phẩm dưa lưới của DannyGreen đã đạt chứng nhận GAP Nhật Bản và USDA của Mỹ, chuẩn bị chứng nhận châu Âu.

 Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kết luận Diễn đàn.
 Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kết luận Diễn đàn.

Kết luận Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đã bước vào giai đoạn thúc đẩy nền kinh tế, qua đó đạt được những kết quả tích cực, trong đó ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo mức tăng trưởng toàn diện.

“Qua Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu, có thể thấy thị trường Bắc Âu còn nhiều dư địa để phát triển và đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao và khắt khe. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta coi đó là khó khăn. Câu hỏi đặt ra là ta lựa chọn "vũ khí" gì để chinh phục thị trường này? Muốn thực hiện được chúng ta cần dựa theo sự hiểu biết và thông tin đầy đủ. Ví dụ như việc lựa chọn các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, các sản phẩm "đường xa đi nhẹ" nhưng có giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích.

Theo đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị để nông sản Việt có thể chinh phục được thị trường khắt khe này gồm có: cần sự kết nối tổng thể giữa hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tham tán thương mại trong lựa chọn các mặt hàng đủ lực, đủ mạnh, cùng với hàm lượng chế biến ngày càng được nâng cao, sự chăm chút của cộng đồng doanh nghiệp cho khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác và sở hữu trí tuệ...

Các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở khu vực Bắc Âu nói riêng và quốc tế nói chung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp tại địa bàn, của các đầu mối nhập khẩu nông sản tại từng thị trường. Các hiệp hội, ngành hàng cần có sự đồng hành của các đơn vị tư vấn trong vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Đồng thời kiến nghị chính sách từ tín dụng vi mô đến việc hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các HTX… Song song là đào tạo kỹ năng bán hàng cho các HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt cần tự ý thức đảm bảo và gia tăng chất lượng, tránh để làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.