Doanh nghiệp FDI tăng tốc đầu tư sản xuất dầu ăn

Theo tapchithue.com.vn

Thị trường Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng tốc đầu tư sản xuất dầu ăn của các doanh nghiệp (DN) FDI.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo các DN trong ngành, 2017 sẽ là năm mở đầu cho thị trường dầu ăn phát triển sôi động với nhiều thương hiệu mới. Đơn cử, Tập đoàn Musim Mas (Singapore) đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 71,5 triệu USD, công suất thiết kế tối đa 1.500 tấn/ngày. Tập đoàn Wilmar đã đạt được thỏa thuận mua 45% cổ phần của Công ty Bunge, hiện đang có một nhà máy ép dầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất hơn 3.000 tấn/ngày.

Không bỏ qua cơ hội, Tập đoàn Kido (KDC) đã chi gần 1.000 tỉ đồng mua 65% cổ phần tại Công ty CP dầu thực vật Tường An (TAC). Trước đó, KDC đã sở hữu 24% vốn của Tổng công ty công nghiệp và dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và theo dự kiến sẽ nâng sở hữu lên hơn 51% trong năm 2017.

Kỳ vọng vào thị trường dầu ăn cũng như việc mua lại TAC, theo chia sẻ của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido là, thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là phân khúc dầu ăn cao cấp vẫn còn nhiều cơ hội. Đúng như kỳ vọng của Kido, sau khi hoàn tất thủ tục chào mua TAC -  chiếm thị phần lớn thứ hai trong ngành dầu ăn, doanh thu thuần hợp nhất quý IV/2016 của Kido đã tăng mạnh, gần 80% so với cùng kỳ lên tới 795 tỉ đồng.

Riêng Tập đoàn Sao Mai An Giang đang tập trung nâng cao chất lượng dầu ăn Ranee, mặc dù những năm qua, loại dầu ăn rất tốt cho sức khỏe này vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường. Đại diện tập đoàn này cho biết, Năm 2016, Sao Mai An Giang vẫn trong giai đoạn đánh giá thị trường, nhưng đã mạnh dạn tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm nhà máy lọc dầu cá ở Lấp Vò (Đồng Tháp), công suất gấp đôi hiện có trong năm nay sẽ hoàn thành.

Giám đốc Công ty CP thực phẩm An Long (thương hiệu dầu ăn Happi Koki) chia sẻ, người tiêu dùng đang rất quan tâm về sản phẩm an toàn cho sức khỏe, nhất là các loại dầu ăn, bởi dầu ăn không chỉ để chế biến thức ăn mà còn cung cấp nguồn dưỡng chất dinh dưỡng và không biến đổi chất khi sử dụng ở nhiệt độ cao. Vì vậy, nhiều DN đang tập trung đầu tư vào phân khúc dầu ăn cao cấp và xem là chiến lược tăng trưởng và tăng tốc cạnh tranh.

So với năm 2015, thì cuối năm 2016 thị trường dầu ăn khởi sắc hơn, tăng trưởng của toàn ngành ổn định từ 5-6%. Riêng Happi Koki trong năm 2016 lợi nhuận và doanh thu tăng vài phần trăm. “Tuy chưa có kế hoạch tung ra sản phẩm mới nhưng năm nay Happi Koki tiếp tục đầu tư vào chất lượng cho bốn dòng sản phẩm hiện có, đồng thời đầu tư sâu cho phòng nghiên cứu R&D, khi có thời cơ thị trường sẽ tung thêm sản phẩm mới cao cấp hơn”.

Với chiến lược đầu tư bài bản, thị trường dầu ăn năm 2017 đang chờ đón sự đột phá và soán ngôi của các thương hiệu đến sau. Tuy nhiên, để có thị phần như mong muốn, các DN vẫn phải giải rất nhiều bài toán khó. Trong đó, bài toán nội lực và tài chính vẫn là yếu tố quyết định để tiếp tục chạy đua trong việc phát triển sản phẩm mới, quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu. 

Theo ông Trần Anh Dũng, Giám đốc nhãn hiệu của Tập đoàn Wilimar, để có một sản phẩm chất lượng cao, mỗi năm công ty đều phải bỏ chi phí lớn cho phòng nghiên cứu sản phẩm.

Đơn cử, khi ra sản phẩm dầu gạo, công ty phải nghiên cứu cả chục năm mới ra được sản phẩm bởi việc sản xuất dầu gạo lắm thách thức, đầu tư tốn kém gấp nhiều lần so với các loại dầu thực vật khác. Nhưng khi ra thị trường, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu hết giá trị và phân biệt được chất lượng, đó là cái khó của ngành dầu và của phân khúc dầu ăn cao cấp.