Doanh nghiệp kiệt quệ và kịch bản tái thiết, phục hồi

Theo Thế Anh/Báo Ấp Bắc

Cùng với nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang phải tạm dừng hoạt động do tác động của SARS-CoV-2, tạo nên áp lực rất lớn. Nhiều con số thống kê gần đây cho thấy, mức độ suy giảm, khó khăn do ảnh hưởng từ chính dịch COVID-19 và những hệ lụy này còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Bão “lớn” dần đi qua cũng là lúc nhiều tỉnh, thành xây dựng lại “kịch bản” tái thiết, dựa trên nhiều đòn bẩy quan trọng.

Doanh nghiệp đang chật vật do tác động của dịch covid. Ảnh: Minh Thành
Doanh nghiệp đang chật vật do tác động của dịch covid. Ảnh: Minh Thành

Cùng với nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang phải tạm dừng hoạt động do tác động của SARS-CoV-2, tạo nên áp lực rất lớn. Nhiều con số thống kê gần đây cho thấy, mức độ suy giảm, khó khăn do ảnh hưởng từ chính dịch COVID-19 và những hệ lụy này còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Cuộc chiến với dịch COVID-19 của các tỉnh, thành phía Nam chính thức bắt đầu từ ngày 27/4 khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Ngày 5/6, Tiền Giang ghi nhận ca F0 đầu tiên và cũng từ đây, cùng với nhiều tỉnh, thành phía Nam, cuộc chiến khốc liệt với SARS-CoV-2 của Tiền Giang chính thức bắt đầu. Con số F0 không ngừng gia tăng trở thành bài toán cân não trong công tác quản lý và kiểm soát dịch bệnh của Tiền Giang.

Giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quyết tâm kiểm soát dịch bệnh được Tiền Giang liên tiếp triển khai trong một thời gian dài vừa qua. Dịch kéo dài đã tác động rất lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Phương án “3 tại chỗ” đã được nhiều doanh nghiệp tính đến nhằm duy trì sản xuất, ổn định đời sống người lao động nhưng hầu hết doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau.

Tạm dừng hoạt động trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội là cách mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh buộc phải lựa chọn. Ông Đ.T.T., giám đốc một doanh nghiệp trong ngành may mặc xuất khẩu trên địa bàn huyện Châu Thành, với khoảng 600 công nhân cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty cũng đã tính toán việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo các đơn hàng đã ký trước đó cũng như ổn định đời sống cho người lao động.

Do tác động của dịch COVID-19, tình hình thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021 cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo đó, toàn tỉnh Tiền Giang ước thu được 13.703 tỷ đồng, đạt hơn 102% dự toán, giảm gần 13% so cùng kỳ. Đáng chú ý là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.071 tỷ đồng, đạt 60% dự toán, giảm hơn 16%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 736 tỷ đồng, đạt hơn 52% dự toán, giảm hơn 16% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, tính tới tính lui, chi phí cho thực hiện phương án “3 tại chỗ” tăng khoảng 50% - 100% dẫn đến giá thành sản xuất đội lên quá lớn. Một khía cạnh khác, ngoài chi phí tăng, an toàn phòng dịch cũng là điều công ty lo lắng, vì với số lượng công nhân lớn, tập trung nhiều ở những dây chuyền may, nên rất khó đảm bảo một cách an toàn cho người lao động trước dịch bệnh.

“Công ty quyết định tạm dừng sản xuất từ cuối tháng 6 đến nay. Tất nhiên, khi tạm dừng hoạt động công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn do không đảm bảo được các đơn hàng đã ký trước đó, gánh nhiều chi phí phát sinh khác, cụ thể là chi phí lãi vay…”- ông T. cho biết.

Không ít doanh nghiệp khác cũng chấp nhận phương án được xem là an toàn này để chờ đến những ngày bình thường mới, tái hoạt động trở lại. Bà Trần Thị Luôn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) cũng cho biết, công ty cũng không thực hiện được phương án “3 tại chỗ”, chấp nhận tạm dừng chuỗi hoạt động từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm. “Mặc dù số lượng lao động công ty sử dụng không nhiều nhưng do quy trình sản xuất bắt buộc phải liên hoàn ở các khâu nên khó đảm bảo thực hiện theo phương án trên”- bà Luôn cho biết.

Tất nhiên, trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, cũng có số ít doanh nghiệp, vì nhiều lý do khác nhau, đã thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong tháng 8 toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp áp dụng phương án “3 tại chỗ”, với trên 12.000 lao động.

Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt yêu cầu, vì nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, còn chủ quan, thiếu kiểm tra, kiểm soát người lao động dẫn đến xảy ra các ổ dịch lớn nhỏ trong khu công nghiệp, nên ngày 29/7 UBND tỉnh Tiền Giang quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới.

Đến ngày 24/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã công nhận phương án “3 tại chỗ” của 17 doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng số lao động ở lại làm việc là 1.908 người (chỉ có 16 doanh nghiệp hoạt động do 1 doanh nghiệp đã xin dừng thực hiện phương án). Đến nay, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.

Trong nhiều tháng qua, với tốc độ càn quét của dịch COVID-19, rất nhiều “vùng đỏ’ đã xuất hiện ở khắp các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Chưa bao giờ công tác phòng, chống dịch trở nên căng thẳng và khốc liệt như thế. Đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 đã mang đến rất nhiều khó khăn cho đời sống xã hội, trong đó có cả cộng đồng doanh nghiệp.

Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Điều đặc biệt là đợt dịch lần này đã xâm nhập và tác động tiêu cực đến các khu công nghiệp, nơi tập trung một lượng lớn người lao động dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Điều này dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế khu vực nói chung, Tiền Giang nói riêng.

Bằng chứng là, theo con số thống kê của Cục Thống kê Tiền Giang cho thấy, nếu tính trong thời gian tỉnh tập trung thực hiện giãn cách xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp quý III/2021 của Tiền Giang giảm hơn 13%. Nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 của Tiền Giang giảm 1,7% so cùng kỳ… Một trong những điểm đáng chú ý là Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 9 năm 2021 giảm gần 13%.

Nhìn vào thực tiễn ở phạm vi rộng hơn, trong khu vực ĐBSCL mới thấy sức càn quét của dịch COVID-19 khủng khiếp đến mức nào. Nếu nhìn từ khía cạnh sản xuất, kinh doanh, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, kể từ khi COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, toàn bộ 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã phải “đóng băng” hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chỉ tính trong 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8/2021, có gần 10.000 doanh nghiệp tại ĐBSCL phải rời khỏi thị trường, trong khi trong 6 tháng đầu năm 2021 con số này chỉ trên 6.000 doanh nghiệp, còn những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động gần như 90%.

Kết quả khảo sát gần đây của VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho thấy, doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp ĐBSCL trong quý II/2021 đều giảm sút từ 40% - 50%. Nhìn một cách thực tế hơn, thống kê từ VCCI chi nhánh Cần Thơ, hiện chỉ còn khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong tổng số 75.000 doanh nghiệp tại ĐBSCL. Các doanh nghiệp đã “kiệt sức” không thể khôi phục sản xuất nếu không được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời…    

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang, trong 8 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh chỉ có 373 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 2.682 tỷ đồng, giảm hơn 27% về số doanh nghiệp và giảm 4,1% về vốn đăng ký so cùng kỳ, đạt hơn 52% kế hoạch. Số hộ kinh doanh thành lập mới trong 8 tháng năm 2021 cũng ở mức 2.340 hộ kinh doanh, giảm gần 31% so cùng kỳ 2020.